Phiên họp kỳ thứ 10 Quốc hội khoá XIV, ngày 24/10/2020
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Tại phiên thảo luận đã có 20 đại biểu phát biểu và 04 đại biểu tranh luận.; trong đó, đa số ý kiến đại biểu phát biểu thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH. Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã báo cáo, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu rất kỹ nội dung của dự thảo Luật, phát biểu sôi nổi, thẳng thắn. Đây là dự án Luật được cử tri và nhân dân quan tâm vì có tầm ảnh hưởng, tác động đến nhiều đối tượng, lĩnh vực. Để hoàn thiện dự án Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đó là:
- Về tính thống nhất của dự án Luật với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Thủy lợi,..: Cơ bản các ý kiến đại biểu phát biểu đề nghị cơ quan trình cần làm rõ thêm nội dung này.
- Về phân loại dự án đầu tư thực hiện đánh giá tác động môi trường; thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường: Các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá về những ưu điểm, hạn chế của 02 phương án quy định tại Điều 36 của dự thảo Luật. Vì vậy, UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành xin ý kiến các đại biểu Quốc hội bằng hình thức lấy phiếu.
- Về cấp giấy phép môi trường, trong đó có nội dung tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi: Đa số ý kiến đại biểu phát biểu đồng tình với phương án 1 của dự thảo Luật, quy định chỉ dùng 01 loại giấy phép môi trường, trong đó gồm cả nội dung cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi, thay thế 07 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu băn khoăn về vấn đề đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp cho sản xuất và nước sinh hoạt của các công trình thủy lợi. Mặt khác, việc cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi hiện đang được quy định tại Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi. Do vậy, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội.
- Ngoài ra, tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu phát biểu về nhiều vấn đề khác, như: Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; nguyên tắc bảo vệ môi trường; vai trò của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong bảo vệ môi trường; những hành vi bị nghiêm cấm; về quỹ bảo vệ môi trường; vấn đề rà soát, hoàn thiện các quy định về quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường; về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục các sự cố môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp; về kiểm toán môi trường và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước; về cải cách thủ tục hành chính, rà soát và điều chỉnh các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường...
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này nếu đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất được các nội dung còn ý kiến khác nhau. Trường hợp còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã xem xét, thảo luận về hai nội dung sau:
* Nội dung 1, Quốc hội nghe Tờ trình và các Báo cáo sau:
- Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
- Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
* Nội dung 2, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết này.
Tại phiên thảo luận đã có 12 đại biểu phát biểu; trong đó, các ý kiến của đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết. Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã báo cáo, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ: Về cơ bản các ý kiến đại biểu phát biểu thống nhất với dự thảo Nghị quyết và cho rằng việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ và khẳng định vị thế của Việt Nam là thành viên tích cực, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việc xác định phạm vi, hình thức, lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc như dự thảo Nghị quyết trong bối cảnh hiện nay là phù hợp. Hồ sơ, dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát và làm rõ thêm những nội dung sau: về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; về nguyên tắc tham gia; về xây dựng lực lượng; về phạm vi, hình thức và lĩnh vực tham gia; thẩm quyền quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng; quy trình, chế độ chính sách; công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan; vị trí, vai trò của các chủ thể, nhất là Hội đồng Quốc phòng An ninh trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tính tương thích, thống nhất, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là xác định vai trò của Hiến chương Liên hợp quốc, các thỏa thuận, bản ghi nhớ và pháp luật của nước sở tại trong điều chỉnh các nội dung liên quan đến hoạt động của các cá nhân, đơn vị Việt Nam khi ra nước ngoài; về kỹ thuật văn bản, bố cục các chương, điều của dự thảo Nghị quyết…
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Thứ Hai, ngày 26/10/2020: Quốc hội nghe và thảo luận trực tuyến về Báo cáo công tác và Báo cáo thẩm tra của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.