Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11/2020

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
30/10/2020 15:06 PM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT trân trọng gửi đến quý khách hàng chính sách nổi bật về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11/2020.

Chính sách nổi bật về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11/2020

Chính sách nổi bật về giáo dục có hiu lc t tháng 11/2020

1. Giáo viên mầm non dạy hợp đồng hưởng chế độ như viên chức đến hết 2021

Cụ thể, từ ngày 01/11/2020, Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực thi hành và thay thế Nghị định 06/2018/NĐ-CP.

Riêng chính sách đối với giáo viên mầm non quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 8 Nghị định 06/2018/NĐ-CP được thực hiện đến hết năm 2021.

Như vậy, chính sách đối với giáo viên mầm non dạy hợp đồng hưởng chế độ, chính sách như viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập được thực hiện đến hết năm 2021.

>> Xem thêm: Một số chính sách đối với giáo viên mầm non theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP

2. Điều kiện trở thành hiệu trưởng, hiệu phó trường cấp II, III

Nội dung này được quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 01/11/2020).

Theo đó, để trở thành hiệu trưởng, hiệu phó trường cấp II, III cần đảm bảo điều kiện sau:

Người được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đối với trường công lập hoặc công nhận làm hiệu trưởng đối với trường tư thục, người được bổ nhiệm hoặc công nhận làm phó hiệu trưởng phải đạt các tiêu chuẩn tại Khoản 3 Điều 11 Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học và theo quy định của pháp luật.

Tiêu chuẩn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học gồm:

- Về trình độ đào tạo và thời gian công tác:

+ Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học;

+ Đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học;

+ Đã dạy học được ít nhất 05 năm (hoặc 04 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.

- Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học phải đạt tiêu chuẩn quy định tại chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học theo quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (hiện đang được quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/07/2018).

(Hiện hành, Hiệu trưởng phải đạt tiêu chuẩn quy định tại Chuẩn hiệu trưởng trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Phó Hiệu trưởng phải đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cấp học tương ứng và đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công).

3. Sinh viên sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng

Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Theo đó, quy định mức hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm như sau:

- Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;

- Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ;

Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022.

>> Xem thêm: Thủ tục để sinh viên sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng

4. Bảng lương giảng viên cao đẳng sư phạm

Căn cứ theo Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 20/11/2020), bảng lương giảng viên là viên chức trong các trường cao đẳng sư phạm công lập được quy định như sau:

- Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

>> Xem chi tiết: Bảng lương giảng viên cao đẳng sư phạm

5. Tăng mức tiền thưởng cho học sinh giỏi quốc gia từ 01/11/2020

Nghị định 110/2020/NĐ-CP quy định về chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

Theo đó, học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn học do Bộ GD&ĐT tổ chức được nhận mức tiền thưởng như sau:

- Giải Nhất: 4 triệu đồng (tăng 3 triệu đồng so với quy định hiện hành);

- Giải Nhì: 2 triệu đồng (tăng 1.3 triệu đồng so với quy định hiện hành);

- Giải Ba: 1 triệu đồng (tăng 600 nghìn đồng so với quy định hiện hành).

Kinh phí khen thưởng được chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước; khuyến khích sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác để khen thưởng cho học sinh đoạt giải trong kỳ thi quốc gia.

Nghị định 110/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2020 và thay thế Quyết định 158/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 26,168

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]