Trước đó, tiền lương tối thiểu đã được điều chỉnh liên tục trong giai đoạn 2008 - 2020 với tốc độ tăng bình quân là 15,52%/năm.
Theo đánh giá của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, dưới tác động của dịch Covid-19, tình hình hiện tại và những tháng tiếp doanh nghiệp vẫn chịu tác động bởi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.
Theo Hội đồng Tiền lương quốc gia, qua khảo sát có khoảng 84,8% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Ngoài ra, khoảng gần 67% doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất một trong bốn giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch Covid-19, bao gồm: cắt giảm lao động; cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, cho lao động nghỉ việc không lương; giảm lương người lao động.
Trong đó, cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên là giải pháp được áp dụng phổ biến nhất với gần 40% doanh nghiệp thực hiện, trên 28% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động.
Như vậy, việc đề xuất chưa điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong năm 2021 dựa trên bối cảnh hiện nay là có cơ sở, tuy nhiên trao đổi với VnEconomy, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cấp cao Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam cho rằng, dù không phủ nhận đã qua nhiều lần điều chỉnh song lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa đạt được mức lương đủ sống cho người lao động.
Trong đại dịch Covid -19, người lao động lại càng gặp khó khăn nhiều hơn, nên việc đảm bảo mức lương tối thiểu vẫn là cần thiết.
"Tôi nghĩ cần cân nhắc rất kỹ trong việc có nên điều chỉnh tiền lương tối thiểu hay không. Chúng ta không thể hy sinh lợi ích sát sườn mà bỏ qua những chính sách an sinh xã hội.
Chúng ta có thể xem xét hạn chế những chi tiêu ngân sách thực sự không mang lại hiệu quả, chẳng hạn như giảm bớt những ưu đãi thuế không cần thiết cho các doanh nghiệp, những đầu tư không thiết thực như xây những công trình, tượng đài hàng nghìn tỷ đồng…để dành cho đảm bảo vấn đề an sinh xã hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào", bà Hương nói và cho rằng không thể nói vì Covid-19 mà giảm bớt chính sách an sinh, cần thiết phải giữ một mức lương đủ sống cho người lao động.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cũng là nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia lại cho rằng, khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia về lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ được duy trì đến năm 2021 trong bối cảnh hiện nay là đã dựa trên đàm phán của các bên.
Theo ông Huân, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và việc làm của người lao động. Vì lẽ đó, trong thời điểm này cần phải nén nhu cầu lại làm sao để doanh nghiệp duy trì được hoạt động.
Đến năm 2021, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp phát triển thì lại tiếp tục bàn câu chuyện điều chỉnh tiền lương trong năm 2022.
Từng có nhiều thời gian tương tác với doanh nghiệp và người lao động, ông Huân cho rằng, bản thân Nhà nước, doanh nghiệp hay người lao động đều không mong muốn điều này. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan đã đẩy doanh nghiệp đến khó khăn, dẫn đến phải hoạt động cầm chừng để duy trì việc làm, thậm chí thu nhập của người lao động còn bị giảm đi.
Trong bối cảnh như vậy, người lao động cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để trước mắt giữ được việc làm.
Hiện nay, theo Nghị định số 90 của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng là: vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.
Theo tính toán của Hội đồng Tiền lương quốc gia, nếu như lương tối thiểu chưa được điều chỉnh trong năm 2021 và ước chỉ số giá tiêu dùng tăng cao (trên 2,5%) cùng năm thì tiền lương tối thiểu thực tế sẽ bị giảm so mức sống tối thiểu của người lao động.