Điểm mới Nghị định 123/2020 về hóa đơn điện tử so với Nghị định 119/2018
Theo đó, giới thiệu nhiều nội dung mới của Nghị định 123/2020/NĐ-CP so với Nghị định 119/2018/NĐ-CP, đơn cử như:
**Về đối tượng áp dụng
Ngoài các đối tượng đã được quy định tại Điều 2 Nghị định 119/2018/NĐ-CP là:
- Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
- Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ.
- Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử.
- Cơ quan quản lý thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn,
Tại Điều 2 Nghị định 123/2020/NĐ-CP mở rộng thêm các đối tượng sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:
- Tổ chức thu thuế, phí, lệ phí;
- Tổ chức có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
- Tổ chức in hóa đơn, biên lai, cung cấp phần mềm in biên lai.
**Về loại hóa đơn, chứng từ
Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thêm: 2 loại hóa đơn điện tử mới, hóa đơn giấy do cơ quan thuế đặt in và quy định về chứng từ.
Cụ thể như sau:
- Về hóa đơn: Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thêm 2 loại hóa đơn điện tử mới đó là: hóa đơn điện tử bán tài sản công và hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia và bổ sung quy định về hóa đơn giấy do cơ quan thuế đặt in để bán cho tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng và trường hợp được mua hóa đơn của cơ quan thuế,
- Về chứng từ: Điều 30 Nghị định 123/2020/NĐ-CP bổ sung quy định về chứng từ bao gồm chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, biên lai thuế, phí, lệ phí được thể hiện theo hình thức điện tử hoặc đặt in, tự in.
**Về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ
Điều 5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định một số hành vi bị cấm được quy định cụ thể đối với 02 đối tượng là công chức thuế và tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ và các cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan, cụ thể:
- Cấm công chức thuế có hành vi bao che, thông đồng để tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; cấm gây phiền hà, khó khăn với tổ chức, cá nhân khi đến mua hóa đơn và chứng từ.
- Cấm những hành vi gian dối trong sử dụng hóa đơn trái phép, cản trở công chức thuế thi hành công vụ; truy cập trái phép làm sai lệch và phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ; hối lộ hoặc có các hành vi liên quan đến hóa đơn nhằm thu lợi bất chính với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ và các cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
**Về hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ
Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định rõ 7 hành vi được xác định là sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp và 7 hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.
(Nội dung cụ thể tại Khoản 9 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).
**Về ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử
Nghị định 119/2018/NĐ-CP không có quy định về ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử, Điều 37 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có bổ sung quy định về ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung này.
Xem chi tiết điểm mới Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn điện tử tại Công văn 4868/TCT-CS ngày 16/11/2020.
Châu Thanh