Bà hàng thịt "cười" "ông quan liêu"

16/08/2012 14:24 PM

Theo quy định tại Thông tư 33 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT vừa ban hành, thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ, còn bảo quản ở 0-5 độ C chỉ được bày bán trong vòng 72 giờ. Đối với phụ phẩm là dạ dày, ruột non và ruột già bảo quản ở nhiệt độ 0-5 độ C, chỉ được bày bán trong vòng 24 giờ.

Dù tới ngày 3/9 mới có hiệu lực, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 33 khó thực hiện, vì không sát với thực tế. Chuyện thịt từ lò mổ, tới bán buôn, rồi ra sạp thịt nhỏ lẻ khắp thành thị, làng quê, ai sẽ “đi theo” giám sát, quản lý chất lượng, nếu phát hiện ra thì xử phạt thế nào?. Làm sao sâu sát để có thể xử lý câu chuyện thịt đã giết mổ được 8 giờ?.

Quy định bán thịt tươi trong vòng 8h là khó khả thi
Quy định bán thịt tươi trong vòng 8 giờ là khó khả thi

Hà Nội hiện có trên 1.200 chợ truyền thống, buôn bán nhỏ lẻ, không có điều kiện để bảo quản thực phẩm, nếu quy định 8 giờ như trên các tiểu thương sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thành phố cũng có tới 19 huyện sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ kinh doanh mang tính buôn bán tận dụng nhỏ lẻ nên quy định trên càng khó thực hiện.

 
Giết mổ nhỏ lẻ ở Hà Nội đang chiếm trên 70%, vì vậy việc xác định thời điểm giết mổ rất khó khả thi. Trong khi lực lượng thú y mỏng, thẩm quyền xử lý hạn chế. Trong khi đó, lò mổ của chúng ta hầu hết do tư nhân quản lý, giết mổ xong là có khách hàng đến lấy và đưa đi, còn đưa đi đâu, bán cho ai, quản lý trong thời gian bao lâu thì có trời mà biết được. Dù ngành thú ý có cả trăm tay ngàn mắt cũng không thể biết được từng kg thịt được bán khắp ngõ phố, làng quê... lưu giữ trong thời gian bao lâu?.
 
Câu chuyện này đặt ra vấn đề, có phải Bộ NN&PTNT, cơ quan vốn được tiếng là “gần” dân nay cũng không thoát khỏi “bệnh” quan liêu, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính thực tiễn, khó có khả năng thực thi và mang tính chất “đối phó”?. Chính người trong cuộc, ông Cấn Xuân Bình, quyền Chi cục trưởng Thú y Hà Nội, cũng cho rằng, đây là một văn bản pháp luật khó đi vào thực tế.
 
Ông Bình nhận định, “chỉ các siêu thị, nhà hàng, khách sạn mới đủ điều kiện để kinh doanh trong thời gian 8 tiếng, còn lại phải có lộ trình”. Như vậy, dù chưa có hiệu lực nhưng đã có thể thấy, thông tư nói trên “bất khả thi” thế nào. 
 
“Chúng ta có nhiều cán bộ, nhưng thực thi không tốt. Có cán bộ thú y đứng ở lò mổ, thịt kém chất lượng vẫn ra được; trâu bò, gia cầm lậu không kiểm dịch vẫn đi qua được. Chúng ta phải nghiêm khắc trong việc này. Làm sao để lực lượng thú y được bố trí ở các trạm, chợ, cơ sở giết mổ, đầu mối kinh doanh làm đúng chức trách của mình”, Bộ trưởng Bộ NN &PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo như vậy.
 
Còn vấn đề lớn nhất người tiêu dùng quan tâm là được sử dụng thực phẩm sạch, chất lượng tốt, và điều đó thuộc về trách nhiệm của các cấp quản lý. Người dân nghi ngờ tính khả thi của thông tư 33 cũng giống như các bà đi chợ lúc nào cũng nghi ngờ chất lượng miếng thịt mỗi khi mua về.
 
Từ góc độ pháp luật, thông tư 33 cũng là thêm một ví dụ minh họa rõ thêm thực trạng chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Vẫn còn đó nhiều văn bản ban hành một cách vu vơ, thiếu hơi thở cuộc sống. Hệ lụy là, không chỉ không điều chỉnh được các quan hệ pháp luật mà ngược lại, còn phản tác dụng, khiến cho người dân thêm nghi ngờ về hiệu lực quản lý, thậm chí “nhờn” luật. Nguyên nhân chính, không ai khác là vì các vị chấp bút soạn thảo có bao giờ đi chợ đâu.
 
Tuấn Ngọc

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,063

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]