Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV, ngày 30/3/2021
Buổi sáng
*Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nội dung này được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Trong quá trình thảo luận đã có 19 đại biểu Quốc hội phát biểu và 02 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với nhiều nội dung Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như sau:
- Về đánh giá chung: Các đại biểu Quốc hội ghi nhận nội dung các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng, cơ bản phản ánh đầy đủ, toàn diện kết quả các mặt công tác của ngành kiểm sát và tòa án trong nhiệm kỳ 2016 - 2021; đồng thời, chia sẻ với những khó khăn, áp lực của công tác tư pháp, nhất là tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp và tình hình thiên tai, bão lũ, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói riêng. Trước yêu cầu cải cách tư pháp, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhất là các luật, bộ luật mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân đã nỗ lực, cố gắng đề ra nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nhiệm kỳ qua, công tác xét xử, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm bảo vệ quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
- Về công tác của ngành Tòa án nhân dân: Các đại biểu Quốc hội nhất trí với nhiều kết quả quan trọng đã đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021 của các Tòa án và cho rằng, việc xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật và bảo đảm các nguyên tắc tư pháp dân chủ, tiến bộ nhưnguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích của đương sự. Tuy nhiên, các ý kiến phát biểu cũng đã phân tích, đánh giá khách quan về những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong nhiệm kỳ tới, như vẫn còn một số trường hợp án phải hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; một số vụ án hình sự áp dụng sai tội danh, hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác; một số vụ án kinh doanh thương mại giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, thời gian giải quyết còn dài; một số vụ án hành chính xét xử chưa kịp thời, dư luận chưa đồng tình, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án có nhiều chuyển biến tích cực so với đầu nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
- Về kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân: Các ý kiến phát biểu đánh giá cao và cho rằng công tác thực hành quyền công tố, kiểm soát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự đạt kết quả tốt; tỷ lệ oan trong giai đoạn điều tra, truy tố giảm mạnh, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh qua các năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao, trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại các phiên tòa được nâng lên; công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế năm sau cao hơn năm trước; công tác điều tra của Cơ quan điều tra đạt nhiều kết quả tích cực; công tác kiểm soát thi hành án dân sự hình sự tiếp tục được tăng cường. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn phân tích, chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân; công tác kiểm sát án hành chính, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận chưa đạt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội, còn có tâm lý nể nang, e ngại của một số kiểm sát viên khi kiểm sát xét xử các vụ án hành chính;tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn chưa đạt chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội đề ra.
- Về kiến nghị giải pháp: Các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều giải pháp kiến nghị được nêu trong các báo cáo; đồng thời, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, như: hoàn thiện pháp luật, tổ chức cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, trong đó có việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của ngành trong nhiệm kỳ tới; thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình cải cách tư pháp để xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, pháp quyền, nghiêm minh; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các biểu hiện các hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp; có chế độ, chính sách hợp lý hơn cho cán bộ và các chức danh tư pháp.
*Nội dung 2: Từ 11 giờ 00, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội họp riêng xem xét về công tác nhân sự. Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về nội dung này.
Buổi chiều
* Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) bằng hình thức điện tử. Kết quả như sau:
+ Về Điều 32, quy định về “Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”: có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95% tổng số ĐBQH); trong đó, có 453 đại biểu tán thành (bằng 94,38% tổng số ĐBQH), 02 đại biểu không tán thành (bằng 0, 42% tổng số ĐBQH), 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số ĐBQH).
+ Về toàn bộ dự thảo Luật: có 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,79% tổng số ĐBQH); trong đó, có 454 đại biểu tán thành (bằng 94,58% tổng số ĐBQH), 0 đại biểu không tán thành (bằng 0% tổng số ĐBQH), 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số ĐBQH).
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội họp riêng xem xét về công tác nhân sự. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Sau đó, Quốc hội tiến hành thủ tục miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Kết quả như sau: 475 phiếu phát ra. 474 phiếu thu về. Trong đó, đối với kết quả miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội: có 473 phiếu hợp lệ, 01 phiếu không hợp lệ; 464 phiếu đồng ý (bằng 96.66% tổng số ĐBQH); 09 phiếu không đồng ý (bằng 1.87% tổng số ĐBQH). Đối với kết quả miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia: có 472 phiếu hợp lệ, 02 phiếu không hợp lệ; 463 phiếu đồng ý (bằng 96.45% tổng số ĐBQH); 09 phiếu không đồng ý (bằng 1.87% tổng số ĐBQH).
Sau đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Tiếp theo, Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức điện tử. Kết quả như sau: có 449 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93.54% tổng số ĐBQH); trong đó, có 429 đại biểu tán thành (bằng 89.38% tổng số ĐBQH); 15 đại biểu không tán thành (bằng 3.13% tổng số ĐBQH); 05 đại biểu không biểu quyết (bằng 1.04% tổng số ĐBQH).
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình về nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về nội dung này.
Thứ Tư, ngày 31/3/2021: Buổi sáng, Quốc hội tiến hành các thủ tục bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín và thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm một số Phó Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về nội dung này. Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm một số Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự về nội dung trên./.