Giải đáp thắc mắc quy định về xóa hộ khẩu từ ngày 01/7/2021

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
19/04/2021 11:09 AM

Xóa đăng ký thường trú (hay còn gọi là xóa hộ khẩu) không phải là quy định mới có; tuy nhiên từ ngày 01/7/2021 sẽ bổ sung thêm các trường hợp mới. Xoay quanh vấn đề này có rất nhiều bạn thắc mắc, tại bài viết này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT sẽ giải đáp một số thắc mắc dưới đây:

1. Trường hợp nào bị xóa hộ khẩu từ ngày 01/7/2021

Trước đây theo Điều 22 Luật Cư trú 2006, công dân bị xóa đăng ký thường trú trong 05 trường hợp

(1) Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;

(2) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;

(3) Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này;

(4) Ra nước ngoài để định cư;

(5) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.

Kể từ ngày 01/7/2021, theo Điều 24 Luật Cư trú 2020, bổ sung thêm một số trường hợp, công dân sẽ bị xóa đăng ký thường trú trong 09 trường hợp sau:

(1) Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

(2) Ra nước ngoài để định cư;

(3) Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của Luật này;

(4) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

(5) Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

(6) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

(7) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

(8) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

(9) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: Hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú dự kiến từ ngày 01/7/2021

quy định về xóa hộ khẩu từ ngày 01/7/2021

2. Bị xóa hộ khẩu thì làm CCCD như thế nào?

Muốn làm CCCD  thì công dân bắt buộc phải có đăng ký thường trú, vì vây, trường hợp đã bị xóa đăng ký thường trú thì phải đăng ký lại sau đó mới có thể làm CCCD.

Theo quy định mới từ ngày 01/7/2021 tại Luật Cư trú thì cơ quan công an sẽ thay thế hình thức quản lý dân cư từ giấy sang phương thức điện tử.

Xem chi tiết: Điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký thường trú từ ngày 01/7/2021

Còn đối với những trường hợp muốn đăng ký thường trú trước ngày 01/7/2021: Xem hồ sơ chi tiết tại Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014.

3. Có phải cứ đi làm ăn xa lâu năm là bị xóa hộ khẩu?

Như đã đề cập tại mục1 nêu trên, một trong những trường hợp bị xóa hộ khẩu từ ngày 01/7/2021 đó là:

Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

Như vậy, đối với trường hợp đi làm ăn xa thì chỉ bị xóa hộ khẩu nếu có đủ các yếu tố sau:

- Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên.

- Không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng tại nơi có hộ khẩu (ví dụ bạn có hộ khẩu ở Bình Định, đi làm ở TP.HCM nhưng không đăng ký tạm trú ở TP.HCM cũng không khai báo tạm vắng ở Bình Định).

- Không thuộc một trong 2 trường hợp sau:

+ Xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư (ví dụ đi du học, đi xuất khẩu lao động…)

+ Đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.

4. Phải làm gì để không bị xóa hộ khẩu khi đến nơi khác làm việc dài hạn?

Đối với những người đi làm việc dài hạn thì để không bị xóa đăng ký thường trú thì cần làm một trong các việc sau:

-  Không vắng mặt liên tục từu 12 tháng trở lên (Trong vòng 12 tháng thì cần trở về địa phương, có báo với địa phương về việc mình có trở về, sau đó có thể đi tiếp).

- Đăng ký tạm trú tại nơi đến làm việc dài hạn.

Việc đăng ký tạm trú tại nơi đến làm việc dài hạn không chỉ giúp công dân không bị xóa hộ khẩu mà còn đi kèm nhiều lợi ích như có thể làm hộ chiếu mà không cần về quê, nhập học trường công lập cho con…

- Khai báo tạm vắng tại địa phương nơi có hộ khẩu thường trú.

Quý Nguyễn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 60,645

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]