Đề xuất sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành rà soát Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Kết quả rà soát cho thấy, đối chiếu với mục 4 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị quyết 72/2018/QH14, để thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã phê chuẩn, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cần được sửa đổi 02 điều:
(1) Sửa đổi khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà không cần có yêu cầu của người bị hại;
(2) Sửa đổi khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Theo dự thảo đề cương, Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi sẽ bao gồm 02 điều:
- Điều 1. Sửa đổi một số điều, khoản của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 (khoản 1 Điều 155; khoản 8 Điều 157).
- Điều 2. Hiệu lực thi hành.
Tại dự thảo Tờ trình, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc:
- Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021 theo hướng: tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
- Cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự trên cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020)
Xem chi tiết tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi |
Châu Thanh