Sắp tới, tiền lương của người lao động sẽ có nhiều thay đổi (Ảnh minh họa)
Đây là nội dung tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Cụ thể, để đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho công nhân lao động trong tình hình mới (đặc biệt là về vấn đề tiền lương), Thủ tướng yêu cầu:
- Bộ LĐTB&XH tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực trên, nhất là thực tiễn thực hiện pháp luật tại các khu công nghiệp và khu chế xuất;
Nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch Covid-19 để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động;…
Đồng thời yêu cầu Bộ LĐTB&XH tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công nhân lao động.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nâng cao tính thực chất của các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đặc biệt về tiền lương của người lao động gắn với năng suất lao động và kết quả thực hiện công việc phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.
“Hiện nay, một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn chưa có việc làm ổn định, cuộc sống bấp bênh, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để lại những hậu quả nặng nề. Do vậy, Chỉ thị 16 ra đời là cơ sở để Bộ, ngành, địa phương tập trung hành động, xây dựng điều chỉnh chính sách phù hợp, từ đó đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho công nhân lao động trong tình hình mới.” - Đây là chia sẻ của Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Ngoài vấn đề tiền lương, thì tại Chỉ thị này, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐTB&XH tham mưu triển khai giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tập trung sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Châu Thanh