Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp - Ảnh: VOV
Sau khi nghe đại diện Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo và ý kiến của các cơ quan, Bộ Chính trị nhận định, các đợt dịch COVID-19 trong năm ngoái và năm nay có diễn biến rất phức tạp, đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân số cao, khiến việc làm, đời sống thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bộ Chính trị đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Nghị quyết 42 ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ngay từ khi dịch mới bắt đầu bùng phát trong năm ngoái có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống, an toàn cho người dân, tiếp tục nâng cao niềm tin trong nhân dân về các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước thể hiện tính ưu việt của chế độ ta…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 07 ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp
Nhấn mạnh, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ và tiếp thu kinh nghiệm, biện pháp hỗ trợ của các nước trên thế giới để tập trung rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh.
"Trên thế giới, diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, do đó không được chủ quan, lơ là. Vừa qua, Đảng và Nhà nước đã trích ngân sách cùng với nhiều nguồn để hỗ trợ cho người lao động và nhân dân. Riêng đợt này, đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đợt dịch lần thứ 4 này, chúng ta có chủ trương hỗ trợ với nhiều giải pháp để bảo đảm sản xuất kinh doanh, tinh thần vừa phải chống dịch thành công, vừa phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, lâu nay Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ các đối tượng khó khăn yếu thế, người nghèo, người có công với cách mạng, riêng lần này Bộ Chính trị đồng ý chủ trương của Chính phủ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, thống nhất với báo cáo của Chính phủ, đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VOV
Tổng Bí thư cho biết, "đây là việc cụ thể, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc họp, tinh thần là ngắn, gọn dễ hiểu dễ nhớ, dễ làm và dễ thực hiện có hiệu quả, chống tiêu cực và thủ tục phiền hà, phải đến đúng đối tượng, cần tuyệt đối tránh sai sót vào tay không đúng đối tượng cần hỗ trợ”.
Tại cuộc họp, Bộ Chính trị cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các bộ, ngành địa phương bám sát tình hình thực tiễn và diễn biến dịch bệnh để có giải pháp xử lý kịp thời, tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện chính sách.