Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
Để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế-xã hội, Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.
Nghị quyết đưa ra các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch. Cụ thể, về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”. Kể từ ngày bắt đầu giãn cách: Trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.
Chính phủ đưa ra mục tiêu Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9/2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8/2021.
Chính phủ yêu cầu căn cứ mức độ nguy cơ, diễn biến dịch bệnh, Bộ Y tế xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước để bố trí kinh phí mua sắm, dự trữ, tổ chức lực lượng phù hợp, hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài giải pháp chống dịch cấp bách, Chính phủ cũng quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù trong việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vaccine phòng COVID-19; tổ chức, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 13/8/2021 thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác.
Tổ công tác có nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ các đối tác song phương và đa phương; tìm kiếm, hỗ trợ, thúc đẩy triển khai và đôn đốc việc đàm phán, nhập khẩu, tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh COVID-19…
Thủ tướng chỉ đạo về việc cấp phép và sử dụng vaccine Nanocovax
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vaccine Nanocovax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải bảo đảm chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về chất lượng, tính an toàn vaccine Nanocovax khi được cấp phép.
* Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức ngay việc đàm phán với đối tác để mua và cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 theo đề xuất của 4 hiệp hội: Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA).
* Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý đề nghị của Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex trong việc hỗ trợ mua vaccine Sputnik V.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý một số điểm trong thực hiện chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19
Văn phòng Chính phủ có văn bản 5553/VPCP-KGVX ngày 12/8/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về một số điểm chú ý trong thực hiện chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trong đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn để cập nhật kịp thời, phù hợp với diễn biến của tình hình. Cần phân biệt rõ các nội dung “cứng” yêu cầu các địa phương phải tuyệt đối tuân thủ và các nội dung “linh hoạt” để các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn phát huy tính chủ động, sáng tạo và thực hiện phù hợp, hiệu quả nhất. Trong đó đặc biệt lưu ý: Các quy định, hướng dẫn về xét nghiệm để tránh tình trạng lạm dụng xét nghiệm, xét nghiệm thiếu trọng tâm, trọng điểm, vừa tốn kém vừa không kiểm soát được dịch bệnh…
Đồng thời, căn cứ tình hình dịch bệnh và kịch bản ứng phó với dịch, hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mua, nhập khẩu vaccine cho từng năm; hạn chế tối đa việc vaccine về quá muộn và dồn dập trong cùng một thời điểm, để quá hạn lãng phí…
Chủ động điều hành NSNN, bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ tình hình thu ngân sách Nhà nước, diễn biến thực tiễn của dịch COVID-19 để chủ động xây dựng phương án điều hành ngân sách Nhà nước năm 2021, bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhu cầu theo quy định, đặc biệt là cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc tổ chức lập quy hoạch tỉnh và tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030.
Đồng thời, các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch ngành có sử dụng đất; có trách nhiệm rà soát, xác định, đề xuất nhu cầu sử dụng đất và đề xuất các công trình, dự án có sử dụng đất của ngành, lĩnh vực theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh…
Gỡ vướng chính sách lãi vay và hoàn thuế GTGT dự án BOT
Xét kiến nghị của Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) về vướng mắc chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng của dự án BOT, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét kiến nghị của VARSI, đề xuất xử lý, tháo gỡ, hoàn thiện quy định pháp luật, có văn bản trả lời cho hiệp hội, doanh nghiệp được biết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 8/2021./.