Theo dự thảo, tiến độ thực hiện kế hoạch phục hồi nền kinh tế như sau:
- Giai đoạn 1 (Từ khi kế hoạch được ban hành đến 31/12/2021): Triển khai các giải pháp tập trung cần làm ngay, không nóng vội nhưng không quá thận trọng, cứng nhắc, vừa làm vừa nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
- Giai đoạn 2 (Từ 1/1/2022 trở đi): Đánh giá các nội dung đã triển khai trong giai đoạn 1, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở kết quả thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 (tiêm vắc-xin 2 mũi cho toàn bộ người dân trong độ tuổi, giải quyết tốt việc chăm sóc sức khỏe cho người mắc COVID-19, giảm thiểu số ca chuyển nặng), tiến đến khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế (vẫn tiếp tục thực hiện các khuyến nghị của ngành y tế về bảo đảm an toàn phù hợp với diễn biến dịch bệnh)
Theo dự thảo, sẽ cho phép mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch. Việc mở cửa được thực hiện có lộ trình, tăng dần tỷ lệ. Thực hiện công tác quản lý bằng quy định chung, không ban hành thêm các loại các giấy phép con.
Tuy nhiên, các ngành nghề kinh doanh như phục vụ ăn uống tại chỗ, karaoke, vũ trường, bar… có thể phải hạn chế quy mô kinh doanh hoặc có thể tiếp tục tạm ngưng hoạt động.
Theo dự thảo Kế hoạch, TP HCM sẽ cấp “giấy thông hành vắc-xin” điện tử cho những người đủ tiêu chuẩn.
Tiến tới chỉ áp dụng việc kiểm soát người dân di chuyển, làm việc, tham gia các hoạt động tại nơi công cộng khi đã có Giấy thông hành vắc-xin thay cho các hình thức quản lý khác như Giấy đi đường, Khai báo di biến động dân cư, Kết quả xét nghiệm âm tính...
Trong đó, người dân được cấp Giấy thông hành vắc xin Covid-19 khi đáp ứng được một trong các điều kiện dưới đây:
- Sau hai tuần kể từ thời điểm tiêm mũi vắc xin thứ 2;
- Đã nhiễm SARS-COV-2 và tiêm một mũi vắc xin sau hai tuần.
Tại dự thảo Kế hoạch này đã đề xuất về y tế như sau:
- Xây dựng biểu phí và quy trình cho phép bệnh viện tư nhân được phép tiếp nhận và điều trị có thu phí bệnh COVID-19 như đối với các căn bệnh khác.
- Đề xuất kế hoạch hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1 ngay sau khi Thành phố được phân bổ lượng vắc – xin cần thiết; ưu tiên tiêm mũi 2 cho lực lượng shipper, lao động trong các doanh nghiệp vận tải, logistics, các ngành dịch vụ – thương mại quan trọng (bán lẻ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ cơ sở hạ tầng), các KCN/KCX/KCNC.
- Cho phép doanh nghiệp chủ động trong việc tìm nguồn và tổ chức ưu tiên tiêm vaccine.
5. Dự kiến sắp tới, TPHCM không còn yêu cầu DN thực hiện 3 tại chỗ mới được hoạt động
Theo dự thảo, UBND giao Sở Công thương ban hành quy chuẩn hoạt động các ngành nghề (lưu ý cần ưu tiên cho các ngành duy trì chuỗi cung ứng liền mạch, các loại nguyên vật liệu, hàng hóa xuất nhập khẩu... để giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp), điều chỉnh phù hợp theo nguyên tắc trao quyền tự chủ cho đơn vị sản xuất. kinh doanh triển khai mô hình hoạt động phù hợp đặc thù của đơn vị (không yêu cầu doanh nghiệp triển khai các mô hình 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 địa điểm) và chịu trách nhiệm về các yêu cầu an toàn phòng chống dịch. Khi xây dựng cần lưu ý đối tượng kinh doanh hộ gia đình, lao động tự do (đây là các đối tượng dễ bị tổn thương khi kinh tế tạm ngưng do dịch bệnh).
Theo dự thảo, giai đoạn lộ trình tái khởi động như sau:
- Giai đoạn 1: Mở lại theo giai đoạn. Bắt đầu với các DN đã đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết để hoạt động trở lại. Mức độ sử dụng lao động trong giai đoạn này tương ứng với tỷ lệ người lao động đã tiêm mũi 2 được hai tuần hoặc đã tiêm mũi 1 được bốn tuần và được xét nghiệm định kỳ. Hơn nữa, để đảm bảo an toàn, số lượng NLĐ trong giai đoạn này nên được giới hạn (ví dụ như 30% so với bình thường) và kéo dài ít nhất 5 ngày để ổn định hoạt động trước khi chuyển sang giai đoạn 2.
Ngay khi các DN/nhà máy đã sẵn sàng phương án bước vào giai đoạn 1 và nhận được sự chấp thuận của Chính quyền, họ có thể bắt đầu ngay lập tức.
DN có thể xin mở cửa trở lại bất cứ khi nào họ sẵn sàng. Khi DN nào đã xây dựng phương án đáp ứng tất cả các yêu cầu một cách bền vững, họ có thể chuyển qua giai đoạn 2. DN không được bước vào giai đoạn 2 cho đến khi xác định được rằng hoạt động ở mức 30% đang vận hành tốt và sẵn sàng để tăng mức sản xuất.
- Giai đoạn 2: Nâng công suất lên tối đa 50%. Các DN/nhà máy có thể tiếp tục Giai đoạn 1 lâu hơn nếu họ muốn hoặc chưa sẵn sàng chuyển sang Giai đoạn 2.
- Giai đoạn 3: Nâng công suất lên tối đa 70% cho đến khi được phép hoạt động lại 100% công suất. Với những DN/nhà máy chưa sẵn sàng, có thể tiếp tục với công suất như giai đoạn 1 hoặc giai đoạn.
Tại dự thảo đã đề xuất trong việc học online như sau:
- Tổ chức dạy học online tại nhà theo hướng giảm tải chương trình cho các em học sinh. Tránh việc học online nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và ảnh hưởng tới thời gian phụ huynh phải kèm, hướng dẫn con sử dụng máy móc.
- Có giải pháp phải tính đến gánh nặng kinh tế cho phụ huynh học sinh trong việc trang bị thêm máy móc, thiết bị để đáp ứng yêu cầu học trực tuyến, đặc biệt đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trung Tài