Cả phòng xử án như lặng đi. Và khi Cảnh sát dẫn giải tháo còng tay cho Tình, Tình vẫn luôn ngoái lại phía sau để nhìn lại những người thân của mình.
Dù đã xem rất kỹ hồ sơ vụ án trước ngày khai mạc phiên tòa nhưng tôi vẫn bất ngờ về diện mạo của kẻ giết người. Một người nhỏ thó khiến chiếc áo dành cho phạm nhân càng thêm thùng thình. Trên khuôn mặt bị cáo hiện rõ sự mệt mỏi với đôi mắt sâu thâm quầng, dấu hiệu của nhiều đêm mất ngủ. Đợi cho Tình đã ngồi xuống ghế và dùng tay áo quệt mồ hôi ngang mặt, tôi lại gần và hỏi chuyện y. Cũng tưởng y ngại tiếp chuyện, ai ngờ, y khá cởi mở và không né tránh bất kỳ câu hỏi nào.
- Cảm giác của anh khi nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử?
- Em vừa mừng, vừa lo. Mừng vì gặp lại người thân, lo vì không biết tòa sẽ xử mình mức án như thế nào.
- Còn khi mới bị bắt, anh có sợ điều gì không?
- Có. Em biết tội mình nặng nên rất hoảng sợ. Nếu em đủ can đảm để chết chắc em đã tự sát từ trước cho nhẹ lòng.
- Trở lại vụ án cách đây không lâu khi anh là người giết chị Tâm, người vợ từng chung sống với anh 20 năm trời. Anh cho rằng chị Tâm ngoại tình nên đã giết chị để thỏa mãn cơn ghen của mình. Anh có bằng chứng về việc ngoại tình của chị Tâm không?
- Dạ không. Em nghe người ta nói vậy. Không chỉ một người mà nhiều người nói khiến em không thể không tin. Hai người đã to tiếng rất nhiều lần về việc này.
- Sau khi chị Tâm chết, 3 đứa con anh ở với ai?
- Hai cháu gái lớn sống với nhà ngoại, còn đứa con trai ở nhà bà nội.
- Những ngày trong trại tạm giam, anh thường nghĩ về điều gì nhất?
- Em vô cùng ân hận và lo lắng cho những đứa con của mình. Mất mẹ, vắng cha, các cháu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
- Trong giấc ngủ, chị Tâm có "về" và trách giận anh điều gì không?
- Có. Em yêu vợ em lắm. Em chỉ mong mỗi đêm về lại được gặp vợ mình, cô ấy oán giận gì em cũng chịu hết. Nhưng Tâm chỉ "về" nhìn em im lặng hồi lâu rồi lại đi. Em thường xuyên khóc về đêm. Vì khóc nhiều và mất ngủ nên mắt trái bị mờ, hiện nhìn cái gì cũng khó.
- Còn hôm nay ra tòa, anh mong muốn điều gì?
- Em mong sẽ được hưởng mức án nhẹ nhất để sớm được về với các con.
Chỉ nói được đến thế, Tình lại gục đầu xuống như cố giấu đi những giọt nước mắt chực trào ra.
..
Những giọt nước mắt ân hận của bị cáo Tình tại phiên tòa sơ thẩm. |
Học hết phổ thông, Tình nhập ngũ. Vốn hiền lành, ít nói nên một người bạn trong đơn vị nhà ngay làng bên có ý giới thiệu em gái mình là Hoàng Thị Tâm cho Tình. Những lần về phép, Tình lại đến nhà cô gái đó chơi. Tình cảm giữa hai người ngày càng gắn bó, thân thiết.
Sau khi xuất ngũ vào năm 1989, hai người quyết định làm đám cưới. Như bao cặp vợ chồng trẻ khác, cuộc sống của họ lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn nhưng họ đều gắng sức vượt qua. Hạnh phúc đã mỉm cười với Tình và Tâm khi những đứa con xinh xắn của họ lần lượt chào đời.
Để giúp gia đình có thêm thu nhập, Tình xin làm bảo vệ tại một trường dạy nghề ở Chí Linh, Hải Dương, mỗi tháng về thăm vợ con một hai lần. Còn chị Tâm ngày ngày chạy chợ buôn bán hạt giống rau. Thương vợ vất vả, Tình bàn với vợ xây một quán nhỏ bán hạt giống ngay cổng nhà. Trong số tốp thợ đến xây có một người đàn ông ngoài 50 tuổi tên D ở Đan Phượng, Hà Nội thường xuyên buông lời tán tỉnh Tâm.
Chưa hết, đêm đêm người đàn ông này còn gọi điện hay nhắn tin cho chị Tâm khiến Tình nằm bên cạnh vô cùng khó chịu. Thế nhưng mỗi khi Tình hỏi về quan hệ giữa hai người, chị Tâm đều nói không có gì khiến cho mối nghi ngờ và ghen tuông của Tình ngày càng lớn dẫn đến những cuộc cãi cọ, xúc phạm nhau.
Sáng 1/12/2010, các con đi học, chị Tâm chuẩn bị ra chợ nhưng Tình đứng chặn ngang cửa không cho đi. Chị Tâm không chấp nhận việc này nên hai người lại cãi nhau. Trong cơn tức giận, Tình đã đập vỡ kính bàn uống nước. Đến chiều cùng ngày, khi biết tin vợ chồng con gái cãi nhau, bà Nguyễn Thị Thư (mẹ chị Tâm) hớt hải chạy đến khuyên răn đủ điều và có ý ngủ qua đêm để không khí trong nhà dịu bớt. Tình không muốn người khác can thiệp việc nhà nên nói với mẹ vợ:
- Nếu bà thương bọn con thì vun vén chứ đừng nói nhiều, con đau đầu lắm.
Bà Thư thở dài:
- Thế vợ chồng chúng mày lục đục, mày bảo tao đứng im nhìn à. Không biết chúng mày còn hành hạ nhau đến bao giờ nữa?
Tình buông một câu thách thức:
- Bà cứ như thế thì đừng có mà ân hận.
Ngau sau đó, Tình bảo cháu Loan (con gái đầu) đưa bà về nhà. Bà Thư nói dỗi:
- Không cần, tôi còn đủ sức lê được về nhà.
Một lúc sau, Tình xuống dưới bếp lấy con dao chọc tiết lợn cầm lên trên nhà rồi tìm một bức ảnh chân dung của mình đưa cháu Loan và nói:
- Ảnh bố đây. Bố có làm sao thì phóng to ra.
Cùng thời điểm đó, chị Tâm gội đầu xong ra ngoài hiên hong tóc, Tình lại ra kéo vợ vào nhà nói chuyện tiếp. Khi chỉ có hai người, Tình nói nhỏ:
- Thôi, chuyện cũ quên đi, anh biết lỗi rồi. Có gì thì tha thứ cho anh. Anh chỉ muốn gia đình êm ấm, các con học giỏi. Nhưng nếu em có lỗi thì cũng phải sửa. Anh nói vậy đấy, em thấy thế nào?
Chị Tâm không nhìn về phía chồng mà thủng thẳng:
- Tôi đã nghe quá nhiều những lời xin lỗi của anh, nhưng mọi việc đâu lại vào đấy. Thôi, không cần xin lỗi, tha thứ hay sửa chữa gì nữa. Tất cả muộn rồi.
Nghe vợ nói vậy, Tình thấy choáng váng liền chồm người về phía trước:
- Nếu em không tha thứ thì anh sẽ chết!
Chị Tâm vẫn giữ vẻ lạnh lùng:
- Anh thì chết thế nào được?
Nghĩ vợ coi thường mình, Tình rút dao trong người ra dọa tự sát thì bị chị Tâm giằng dao và nói:
- Nếu anh chết thì giết tôi trước đi!
Hai bên giằng co nhau con dao và khi dao đã trong tay Tình, y đâm mạnh hai nhát vào bụng và ngực người vợ đã từng đầu ấp tay ấp với mình hai mươi năm trời…
…
Trước ngày phiên tòa diễn ra, khi lần giở từng trang hồ sơ vụ án, thẩm phán Lê Thị Hợp, chủ tọa phiên tòa tâm sự với tôi bằng một giọng buồn bã:
- Những vụ án mạng trong nội bộ gia đình ngày càng nhiều. Mỗi lần thụ lý hồ sơ vụ án như thế này, tôi cứ nghĩ và buồn mấy ngày liền. Tình cảm vợ chồng bao giờ cũng thiêng liêng và để hạnh phúc gia đình được gắn kết, bền vững với thời gian thì cần rất nhiều sự nỗ lực của các thành viên trong tổ ấm đó. Kẻ giết người thì phải bị trừng phạt, nhưng rồi nỗi bất hạnh lại trút lên đầu những đứa trẻ. Dù sống với ai, chúng vẫn thiếu hơi ấm tình thương của cha mẹ chúng.
Còn cháu Hồng, con gái thứ hai của Tình, đứa con duy nhất có mặt ở phiên tòa ngơ ngác ở hành lang phòng xử án đợi Cảnh sát dẫn giải người cha - bị cáo vào. Tôi lại gần và hỏi cháu về tình cảm với người cha tội lỗi của mình. Hai mắt đỏ hoe, cháu nói rất khẽ:
- Cháu vừa giận, vừa thương bố. Dù thế nào thì bố vẫn là bố chúng cháu. Bố rất thương mẹ và chị em cháu, cháu không thể nào hiểu được vì sao bố cháu lại hành động như vậy. Cháu ra đây chỉ mong được nhìn thấy bố và tòa sẽ xem xét cho bố cháu hưởng mức án nhẹ nhất để sớm được về với chị em cháu.
Suốt phiên tòa hôm đó, từ một góc khuất của phòng nghị án sát cạnh phòng xử, tôi hướng tầm mắt về chiếc vành móng ngựa, nơi bị cáo thường vịn tay vào và lắng nghe từng lời nói của những người được triệu tập đến. Và tôi càng buồn hơn. Dẫu đã chứng kiến nhiều phiên tòa chồng giết vợ, con đâm cha hay em chém anh, nhưng trong tôi vẫn ngập tràn cảm giác ám ảnh, xót xa.
Càng xót xa hơn khi nghe người nhà nạn nhân tố bị cáo Tình không chịu làm lụng, đỡ đần vợ con, đã vậy còn hay rượu chè bê tha rồi về nhà gây chuyện, dằn vặt vợ. Còn người nhà Tình lại lớn tiếng rằng, chị Tâm là người phụ nữ không biết điều. Gia đình đang êm ấm lại đi "tằng tịu" với một người có tuổi, để mọi người trong nhà phải hổ thẹn với làng trên, xóm dưới…
18 năm tù, đó là mức án mà TAND TP Hà Nội dành cho kẻ giết người trong phiên tòa sơ thẩm đầu tháng 8 vừa qua. Tôi nhìn lại gương mặt từng người trong phòng xử rồi lặng lẽ bước xuống cầu thang. Khoảnh khắc còn in đậm trong trí nhớ tôi chính là những đôi mắt nhòa lệ của họ.
Họ khóc cho người đã mất, cho kẻ phạm tội và cho những đứa trẻ mồ côi ngay trong chính ngôi nhà của mình. Còn bị cáo, y rũ xuống như một tàu lá. Nước mắt chỉ giúp y vơi bớt nỗi ân hận, giày vò chứ không thể xóa được mọi lỗi lầm y đã gây ra. Bi kịch ấy còn mãi, như một vết thương chẳng bao giờ kín miệng và còn sẽ bám riết lấy y đến hết cuộc đời
Nguyễn Tuấn