Điểm mới về việc từ chối tiếp công dân từ 15/11/2021

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
11/11/2021 10:20 AM

Thông tư 04/2021/TT-TTCP do Thanh tra Chính phủ ban hành quy định về Quy trình tiếp công dân sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11/2021 tới đây. Theo đó, Thông tư đã có sự điều chỉnh, bổ sung quy định về việc từ chối tiếp công dân và trách nhiệm của các đối tượng thực hiện tiếp công dân.

3 trường hợp được quyền từ chối tiếp công dân

Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-TCP và Điều 9 Luật Tiếp công dân 2013 quy định 3 trường hợp được từ chối tiếp công dân như sau:

(1) Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

(2) Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.

(3) Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Đối với trường hợp (1) và (2), hiện nay Điều 4 Thông tư 06/2014/TT-TTCP chỉ yêu cầu người tiếp công dân giải thích lý do mà không cần phải báo cho người phụ trách tiếp công dân. Nay theo quy định tại Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-TTCP: người tiếp dân phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân.

Đối với trường hợp (3) người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân. Thông báo này được quy định theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này, đồng thời thay thế cho mẫu ban hành kèm Thông tư 06/2014/TT-TTCP.

Mẫu 01- Thông báo từ chối tiếp công dân

từ chối tiếp công dân

Trách nhiệm của người tiếp công dân

Điều 9 Thông tư 04/2021/TT-TTCP quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp dân:

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của mình hoặc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân và kiểm tra, đôn đốc việc xử lý sau tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị.

Đối với Ban tiếp công dân, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp công dân và cơ quan Thanh tra nhà nước hoặc Văn phòng Ủy ban nhân dân cùng cấp thì thực hiện trách nhiệm sau:

- Sắp xếp việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thông báo cho cơ quan, đơn vị có liên quan biết; ưu tiên những vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người, phức tạp, kéo dài;

- Cử người ghi chép nội dung việc tiếp công dân;

- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện việc tiếp công dân.

Cơ quan, đơn vị có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có trách nhiệm:

- Cử lãnh đạo cơ quan, đơn vị cùng tiếp công dân để thực hiện những yêu cầu do người đứng đầu cơ quan, đơn vị giao;

- Cử công chức, viên chức để ghi chép nội dung việc tiếp công dân, nhận các thông tin, tài liệu do công dân cung cấp;

- Chuẩn bị đầy đủ những thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà người đứng đầu cơ quan, đơn vị sẽ tiếp công dân.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 21,017

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]