Các tiêu chí kiểm toán trong kiểm toán hoạt động (Ảnh minh họa)
Theo khoản 11 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011, kiểm toán hoạt động là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến về tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của một bộ phận hoặc toàn bộ đơn vị được kiểm toán.
Theo đó, các tiêu chí kiểm toán trong kiểm toán hoạt động được thực hiện theo quy định:
- Từ Đoạn 37 đến Đoạn 43 CMKTNN 3000 - Hướng dẫn kiểm toán hoạt động (theo Quyết định 02/2016/QĐ-KTNN);
- Khoản 6 Điều 9 Quy trình kiểm toán của KTNN (theo Quyết định 02/2020/QĐ-KTNN).
Trong đó, kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) cần xây dựng tiêu chí kiểm toán cụ thể phù hợp với nội dung kiểm toán và đáp ứng các đặc điểm sau:
- Tính tin cậy: Có thể đưa ra kết luận nhất quán khi được sử dụng bởi KTVNN khác trong các trường hợp tương tự.
- Tính khách quan: Không bị thiên vị từ KTVNN hoặc các cấp quản lý của đơn vị được kiểm toán.
- Tính hữu dụng: Có thể đưa ra những phát hiện, kết luận kiểm toán đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng báo cáo.
- Tính dễ hiểu: Có thể đưa ra các kết luận rõ ràng, không gây hiểu nhầm cho người sử dụng báo cáo.
- Tính so sánh được: Thống nhất với các tiêu chí kiểm toán được các KTVNN sử dụng trước đó tại đơn vị, hoặc với các tiêu chuẩn hợp lý.
- Tính toàn diện: Có thể đánh giá về mọi khía cạnh quan trọng của nội dung kiểm toán và đủ thông tin để kết luận.
- Tính chấp nhận được: Được chấp nhận chung bởi các chuyên gia, đơn vị được kiểm toán, cơ quan lập pháp, phương tiện truyền thông và dư luận.
Xem chi tiết tại Quyết định 1925/QĐ-KTNN có hiệu lực từ ngày ký.
Lý Hải