Hướng dẫn một số nội dung về hóa đơn điện tử (Ảnh minh họa)
Theo đó, Tổng cục thuế hướng dẫn một số nội dung về hóa đơn điện tử (HĐĐT) như sau:
- Về việc không sử dụng hóa đơn đã thông báo phát hành theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP sau khi người nộp thuế đã đăng ký thành công sử dụng HĐĐT theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và cơ quan thuế đã gửi Thông báo chấp nhận tới người nộp thuế:
+ Trường hợp cơ quan thuế đã chấp nhận đăng ký sử dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Thông tư 78/2021/TT-BTC thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế (người nộp thuế - NNT) phải ngừng sử dụng HĐĐT, tiêu hủy hóa đơn giấy đặt in đã thông báo phát hành theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trình tự, thủ tục tiêu hủy thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
+ Trong thời gian Thông tư 39/2014/TT-BTC đang có hiệu lực thi hành, Cục thuế có thể hướng dẫn người nộp thuế gửi: Thông báo hủy hóa đơn (Mẫu số TB03/AC) và Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (BC26) theo hướng dẫn tại Thông tư 39/2014/TT-BTC để cơ quan thuế nhập vào ứng dụng Quản lý ấn chỉ. Đồng thời cơ quan thuế ban hành Thông báo hóa đơn của NNT hết giá trị sử dụng.
- Về sử dụng phần mềm kế toán khi sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế:
Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC không có quy định về việc khi người nộp thuế sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế thì có cần phải có phần mềm kế toán kết nối với phần mềm lập HĐĐT. Do đó trường hợp người nộp thuế sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế thì không nhất thiết phải có phần mềm kế toán mà chỉ cần phần mềm lập HĐĐT có kết nối mạng Internet đáp ứng lập, gửi HĐĐT đến cơ quan thuế để được cấp mã và bảo đảm việc truyền dữ liệu HĐĐT đến người mua thì sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế.
- Về việc đăng ký sử dụng đồng thời 2 loại HĐĐT có mã và không có mã của cơ quan thuế:
+ Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều hoạt động kinh doanh thì: đối với các hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực hoặc đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Quản lý thuế 2019 thì doanh nghiệp đăng ký sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế; các hoạt động kinh doanh khác không thuộc các lĩnh vực hoặc không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Quản lý thuế năm 2019 thì doanh nghiệp đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế.
+ Đề nghị Cục Thuế rà soát thực tế để xem xét những doanh nghiệp nào có nhu cầu đăng ký sử dụng cả hai loại HĐĐT có mã và không có mã của cơ quan thuế. Trước mắt cơ quan thuế hướng dẫn NNT đăng ký sử dụng HĐĐT có mã/không có mã của cơ quan thuế theo danh sách cơ quan thuế đã phân loại và nhập vào hệ thống HĐĐT. Căn cứ thực tế triển khai, Tổng cục Thuế sẽ nâng cấp ứng dụng đảm bảo đáp ứng NNT được đăng ký sử dụng đồng thời cả hai loại HĐĐT có mã và không có mã của cơ quan thuế. Sau đó Cục Thuế sẽ rà soát và hướng dẫn NNT chuyển đổi nếu cần.
- Về việc sử dụng nhiều HĐĐT có mã của cơ quan thuế khi đề nghị cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh:
+ Trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn có cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho nhiều khách hàng khác nhau thì khi đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh, doanh nghiệp được đề nghị một lần sử dụng nhiều hóa đơn điện tử và doanh nghiệp phải thực hiện nộp đủ số thuế phải nộp theo quy định hoặc nộp 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
+ Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu để sửa đổi Quy trình Quản lý hóa đơn điện tử ban hành kèm theo Quyết định 1447/QĐ-TCT ngày 5/10/2021 cùng các nội dung khác nhằm đơn giản hóa trình tự các bước cấp hóa đơn theo lần phát sinh thực tế triển khai tại các Cục Thuế.
Xem thêm tại Công văn 5113/TCT-CS được ban hành ngày 27/12/2021.
Diễm My