Sửa đổi danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp (Ảnh minh họa)
Theo khoản 4 Điều 3 Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT, tàu cá bị đưa vào danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam, trừ trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài tịch thu, phá hủy.
- Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ nhưng được trả về hoặc tàu cá bị cơ quan thẩm quyền Việt Nam xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác trái phép tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà chưa thi hành xong quyết định xử phạt.
- Tàu cá bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt về một trong các hành vi sau:
+ Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn.
+ Vi phạm quy định về quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy sản như không ghi nhật ký khai thác thủy sản hoặc ghi không chính xác so với yêu cầu của tổ chức nghề cá khu vực hoặc báo cáo sai một cách nghiêm trọng.
+ Khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực.
(Trước đây, tàu cá vi khai thác thủy sản bất hợp pháp là tàu cá bị xử phạt vi phạm hành chính thuộc một trong các hành vi quy định điểm a, b, c, d, đ, e, g, i, n và điểm o khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản 2017; tàu cá bị xử phạt vi phạm hành chính do tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần đối với một trong các hành vi quy định tại điểm h, k, l và m khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản 2017)
Như vậy, Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT đã sửa đổi danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT còn bổ sung danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp, cụ thể tàu cá thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản; hoặc Giấy phép hết hạn từ 10 ngày trở lên nhưng không đi khai thác thủy sản.
- Tàu cá không duy trì tín hiệu giám sát hành trình khi hoạt động trên biển từ 06 giờ trở lên nhưng không báo cáo vị trí theo quy định.
- Tàu cá vi phạm quy định về khu vực cấm khai thác thủy sản, vùng khai thác thủy sản.
- Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng chưa bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ và được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thông báo cho cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam, trừ trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài tịch thu, phá hủy.
Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực kể từ ngày 04/03/2022, thay thế Thông tư 13/2020/TT-BNNPTNT.
Nhật Anh