Dự thảo này vừa được trình bày tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 25-12.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương - Ảnh: TTXVN |
Diễn ra trong hai ngày (25 và 26-12), hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 tập trung xem xét, thảo luận hai dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu (nghị quyết chuyên đề).
Trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết bên cạnh mục tiêu tổng quát, Chính phủ đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013, trong đó có việc tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 6,81%, đồng thời dự kiến chín nhóm giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành. “Trong chín nhóm giải pháp thì nhóm giải pháp về tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh là trọng tâm đang nổi lên của nền kinh tế” - Thủ tướng nêu rõ.
Trình bày dự thảo nghị quyết chuyên đề nêu trên, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói có hai nhóm giải pháp chính: thứ nhất là giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; thứ hai là về giải quyết nợ xấu. Đáng chú ý, Phó thủ tướng cho biết các giải pháp về chính sách thuế dự kiến hỗ trợ thêm nguồn lực cho DN và thị trường trên cơ sở gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và tiền sử dụng đất vào khoảng 31.000 tỉ đồng, giảm tiền thuê đất vào khoảng 3.000 tỉ đồng.
Dự thảo nghị quyết cũng có nội dung về việc không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện; giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ theo hướng: đối với ôtô đăng ký lần đầu thì mức thu chung là 10%, các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức quy định chung; đối với ôtô đăng ký lần 2 trở đi: mức thu chung là 2% và thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
20.000 - 40.000 tỉ đồng cho vay bất động sản
Về vốn tín dụng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm của lạm phát. Gia hạn thời hạn cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với DN xuất khẩu đến hết ngày 31-12-2013.
Dự thảo nghị quyết giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại của Nhà nước dành một lượng vốn hợp lý để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để mua, thuê mua nhà xã hội và nhà thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; cho vay đối với các DN xây dựng nhà ở xã hội, DN chuyển đổi công năng của dự án đầu tư phục vụ cho nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng. Trong quý 1-2013 phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn quy chế cho vay đối với các đối tượng trên để đảm bảo sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các khoản tín dụng hỗ trợ. Cùng với đó, NHNN dành từ 20.000-40.000 tỉ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước để phục vụ cho vay đối với các đối tượng này.
Bên cạnh đó, theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, cần “nghiên cứu để sớm hình thành các định chế tài chính mới như: quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư bất động sản, cơ quan tái thế chấp nhà ở, tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho thị trường bất động sản”.
Về giải quyết nợ xấu, NHNN khẩn trương tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản VN trong tháng 1-2013.
Sớm đưa giải pháp vào cuộc sống
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh thành đều thể hiện sự nhất trí cao với nội dung hai dự thảo nghị quyết Chính phủ xây dựng. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đề nghị Chính phủ sau khi ban hành nghị quyết thì các bộ ngành có ngay văn bản cụ thể hóa để những giải pháp quan trọng sớm đi vào cuộc sống, đơn cử như các giải pháp đối với thị trường bất động sản sẽ phát huy tác dụng ngay từ mùa khô đầu năm 2013, tạo đà thuận lợi cho các thị trường khác. Ông Quân cũng đề cập đến việc CPI những tháng cuối năm thông thường là cao, nhưng quý 4 này CPI thấp cho thấy sức mua thị trường có dấu hiệu giảm sút, đây là vấn đề Chính phủ cần chú ý trong chỉ đạo vĩ mô.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng đề nghị Chính phủ rà soát điều chỉnh quy chế làm việc của Chính phủ, tránh trường hợp có những việc mà địa phương đề xuất lên thì một năm sau mới có kết quả. “Cơ chế hiện nay nhiều việc dồn lên Thủ tướng Chính phủ quá, đơn cử một việc như địa phương tổ chức bắn pháo hoa cũng phải xin ý kiến Thủ tướng” - ông Thắng nói.
Sáng nay, hội nghị sẽ nghe lãnh đạo các bộ ngành phát biểu về những vấn đề có liên quan, tiếp đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ kết luận hội nghị.
VÕ VĂN THÀNH
Dự kiến các giải pháp về thuế hỗ trợ doanh nghiệp - Gia hạn sáu tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với số thuế TNDN phải nộp quý 1 và ba tháng thời hạn nộp thuế TNDN đối với số thuế TNDN phải nộp quý 2 và quý 3-2013; gia hạn sáu tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với số thuế GTGT phải nộp của tháng 1, tháng 2, tháng 3-2013 đối với các DN đang thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Các đối tượng được thụ hưởng chính sách là: DN có quy mô vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động (sử dụng trên 300 lao động), DN đầu tư - kinh doanh nhà ở... - Báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định: áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% từ ngày 1-7-2013 đối với DN có quy mô vừa và nhỏ, áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% từ ngày 1-7-2013 đối với thu nhập từ đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội, giảm 50% số thuế GTGT đầu ra từ ngày 1-7-2013 đến hết 30-6-2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội, giảm 30% số thuế GTGT đầu ra từ ngày 1-7-2013 đến hết 30-6-2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới15 triệu đồng/m2... - Giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất mà số tiền thuê đất phải nộp theo quy định tại nghị định số 121 tăng quá hai lần so với mức nộp năm 2010. (Nguồn: Dự thảo nghị quyết của Chính phủ) |
* TS Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Cần lập thêm quỹ bảo lãnh tín dụng Về giải pháp gia hạn nộp thuế TNDN, thuế GTGT, tôi cho là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để DN có thể duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm. Đó là cách nhìn dài hạn và đúng đắn. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp giãn, giảm thuế cần thêm các giải pháp như xử lý nợ xấu, lập quỹ bảo lãnh tín dụng. Lý do vì những DN được hưởng những giải pháp giãn, giảm thuế là những DN còn đang hoạt động cầm chừng, còn những DN “chìm” rồi thì cần có giải pháp mạnh hơn làm phao cứu sinh, đó là xử lý nợ xấu, hàng tồn kho và giải quyết bảo lãnh tín dụng càng sớm càng tốt. * Bà Nguyễn Thị Quỳnh Như (tổng giám đốc Công ty Toyota Lý Thường Kiệt): Kích cầu rất tốt Việc giảm thuế trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ xuống 10% là vô cùng tốt cho người tiêu dùng và các DN kinh doanh ôtô như chúng tôi. Cả năm qua thị trường ôtô trong nước vô cùng èo uột do tâm lý lo ngại phải đóng quá nhiều mức phí cao, lãi suất cho vay quá cao. Người dân đã cố gắng rất nhiều khi bỏ tiền ra sở hữu một chiếc ôtô rồi lại phải gánh thêm phí trước bạ rất cao (ở Hà Nội là 20%, TP.HCM là 15%), lệ phí cấp biển số lên đến 20 triệu đồng... nên việc giảm lệ phí trước bạ sẽ kích cầu cho sức mua ở TP.HCM và Hà Nội là hai thị trường có sức tiêu thụ lớn nhất. * Bà Nguyễn Thị Kim Yến (phó tổng giám đốc Công ty cổ phần nhựa Bình Minh): Nên giảm chứ đừng gia hạn Tôi cho rằng giải pháp này chỉ giúp DN “trì hoãn” thời gian đóng thuế của mình thay vì điều DN cần là giảm hẳn, vì xét về mặt hiệu quả kinh doanh của năm 2012 không phải DN nào cũng có được đủ mức lợi nhuận để đóng thuế. Việc Chính phủ đồng ý giảm thuế TNDN còn 20% kể từ ngày 1-7-2013 sao không thể áp dụng ngay từ đầu năm, thay vì chọn giải pháp gia hạn nói trên? * Ông Võ Văn Đức Bảy (phó giám đốc Công ty nhựa Chợ Lớn): Đó là một khích lệ Thật sự việc Chính phủ dự kiến gia hạn sáu tháng thời hạn nộp thuế TNDN, hay gia hạn sáu tháng thời hạn nộp thuế GTGT đối với DN vừa và nhỏ như chúng tôi đó là một sự khích lệ hơn là sự hỗ trợ. Vì năm 2012 hầu như các DN hoạt động rất khó khăn, đâu có lời mà đóng thuế. Nhưng dù nếu có lãi và được gia hạn số thuế phải đóng thì cũng đỡ hơn cho DN là rút tiền đóng liền. Mặt khác, khi được gia hạn, DN cũng có thể dùng các đồng vốn ít ỏi của mình xoay xở vào những việc khác một cách dễ dàng hơn. Tôi nghĩ trong khó khăn, có được sự hỗ trợ nào cũng tốt hơn là không có, dẫu xét về mặt hiệu quả chưa hẳn DN vừa và nhỏ thật sự là thành phần được thụ hưởng tốt nhất. A.HỒNG - L.NAM - T.V.NGHI ghi |