Bộ Công an thông tin về những điểm mới trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
07/04/2022 15:41 PM

Ngày 06/4/2022, tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 4/2022 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ sau khi đã tiếp thu ‎‎‎‎ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, cơ quan Chính phủ, địa phương, tổ chức, cá nhân,…

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, thời gian qua Chính phủ đã giao Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng 2 dự án Luật độc lập thay cho Luật Giao thông đường bộ năm 2008Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ.

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về chủ trì xây dựng Luật TTATGT đường bộ, Bộ Công an đã nghiêm túc tiếp thu, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình các cấp, xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức đảng, các Bộ, ngành, tổ chức xã hội…, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo khoa học, lấy ý‎ kiến tham gia đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học. Hai dự án Luật này đã được Chính phủ trình Quốc hội theo đúng quy định.

Hoàn thiện thể chế pháp luật về bảo đảm TTATGT đường bộ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước

Nhấn mạnh cơ sở chính trị pháp lý của việc xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012, xác định: Công tác đảm bảo TTATGT là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Mới đây nhất, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, phê duyệt Đề án 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội khóa XV về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng dự án Luật điều chỉnh nội dung về bảo đảm TTATGT đường bộ. 

“Việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua; là sự cụ thể hoá Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về TTATGT đường bộ trong tình hình mới”, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.

Việc triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, sau một thời gian dài phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không phù hợp với tình hình thực tế, đòi hỏi khách quan phải có những đạo luật thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực.

Luật Giao thông đường bộ quy định 3 lĩnh vực độc lập, khác nhau là TTATGT đường bộ, hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ nên có nhiều vấn đề bất cập, phải sử dụng nhiều văn bản dưới Luật để điều chỉnh, trong đó có quy định liên quan đến hạn chế quyền của con người. Tuy nhiên, vấn đề này đòi hỏi phải được quy định bằng Luật. 

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại Hội nghị.

“Ví dụ nếu xảy ra một vụ tai nạn, lực lượng chức năng phải ngăn đường để giải quyết vụ tai nạn. Đó cũng là hạn chế quyền con người. Nhưng việc xử lý tai nạn giao thông không được quy định trong Luật mà được quy định ở Nghị định, thông tư. Đây cũng là vấn đề cấp thiết phải xây dựng 2 Luật này từ Luật Giao thông đường bộ 2008”, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ các cơ quan Nhà nước trong bảo đảm TTATGT đường bộ là cần thiết

Đồng chí Thứ trưởng chỉ rõ, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo hành bảo trì quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể, nhất là cơ chế thu hút, sử dụng vốn, quản lý đầu tư, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng…còn rất nhiều vấn đề bất cập.

Trong các chế định liên quan đó, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực TTXH chủ yếu quản lý trạng thái động; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật điều chỉnh trạng thái tĩnh. Như vậy, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh 2 trạng thái động và tĩnh đan xen, chồng lấn nhau. Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đều phải dùng các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của mình để điều chỉnh các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ.

“Qua các hội thảo, các cuộc toạ đàm giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải và các tổ chức chính trị, xã hội; tổ chức nghề nghiệp đã phân tích kỹ, thấy rằng cần phải có 2 đạo luật quy định rất cụ thể 2 vấn đề này”, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.

Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định rõ cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về ANTT và cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. Từ đó xuất hiện những vấn đề bất cập, chồng chéo; việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm, huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa rõ ràng dẫn đến việc tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, các cơ quan chức năng đã trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu, tham khảo phát luật của nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nga, Đức… cho thấy không có quốc gia nào ban hành một đạo luật giao thông đường bộ bao gồm cả 3 lĩnh vực là an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ. Nhiều quốc gia xây dựng luật riêng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, luật riêng về đường cao tốc, vận tải đường bộ…

“Nghiên cứu Công ước Vienna năm 1968, chúng tôi thấy Công ước chỉ quy định về an toàn giao thông, không quy định về kết cấu hạ tầng giao thông vì kết cấu hạ tầng giao thông phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, nguồn lực của từng quốc gia”, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Nhiều nội dung mới trong dự thảo Luật TTATGT đường bộ

Thông tin một số nội dung mới của dự thảo Luật TTATGT đường bộ sau khi đã tiếp thu, chỉnh sửa, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, chính sách về quy tắc giao thông đường bộ trong Luật TTATGT đường bộ chủ yếu nội luật hoá quy tắc của Công ước Vienna về giao thông đường bộ để phù hợp với điều kiện của Việt Nam; kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Giao thông đường bộ; luật hoá một số quy định ở các văn bản dưới luật. Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại một số quy định về TTGT đường bộ cho phù hợp.

Cảnh sát giao thông cấp biển số xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải cho người dân.

Liên quan đến nội dung chính sách về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dự thảo Luật cũng có sự đổi mới về quy định điều kiện xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe thô sơ… sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và tham khảo ý kiến các chuyên gia, các quy định luật pháp của nước ngoài.

“Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe, người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo, giáo viên dạy theo yêu cầu; được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật TTATGT đường bộ. Không bắt buộc phải vào cơ sở cụ thể nào để học; được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham gia dự thi sát hạch chứ không chỉ định phải vào cơ sở bắt buộc để sát hạch”, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, một điểm mới nữa so với dự thảo Luật trình Quốc hội khoá XIV là dự thảo Luật hiện tại không quy định hình thức cấp biển số xe ô tô qua đấu giá và không quy định về điểm của giấy phép lái xe.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng thông tin các điểm mới về chính sách chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; chính sách giải quyết tai nạn giao thông; chính sách kiểm tra, kiểm soát về TTATGT; chính sách quản lý Nhà nước về TTATGT đường bộ.

Minh Ngân

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,794

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]