- Ông nhận xét thế nào về công tác tổ chức lễ hội trong năm nay?
- Du khách đến lễ hội tập trung vào đầu năm, trong khi không gian diễn ra lễ hội không thay đổi, nên đương nhiên là quá tải, ùn tắc. Hơn nữa mức hưởng thụ văn hóa hiện nay của người dân cao hơn vì cuộc sống tốt hơn, kinh tế khá giả hơn. Do vậy, ở một thời điểm nhất định nhiều lễ hội bị quá tải vì hạ tầng không đáp ứng được.
Thực hiện công điện của Thủ tướng và chỉ thị của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi đã tăng cường nhiều biện pháp nên công tác lễ hội năm nay khá nghiêm túc, đã giảm rất nhiều tiêu cực.
Trước Tết âm lịch, Bộ Văn hóa đã có 6 đoàn đi kiểm tra khâu tổ chức các lễ hội, yêu cầu tất cả phải có ban chỉ đạo hoặc ban tổ chức, gắn trách nhiệm với chính quyền địa phương trong khâu tổ chức lễ hội. Cục Văn hóa cơ sở cũng giao nhiệm vụ cho cán bộ công chức đi tất cả địa phương kiểm tra và hướng dẫn ban tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo như quy hoạch lại hòm công đức, tuyên truyền cho người dân không ném tiền công đức xuống ao, xuống giếng hay hạn chế đốt vàng mã… Trên hết là đảm bảo vệ sinh cảnh quan môi trường, khu vệ sinh công cộng. Sau Tết, chúng tôi duy trì 4 đoàn thường xuyên đi kiểm tra.
Ông Phạm Văn Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở. Ảnh: Đ.L.
- Tuy nhiên, ở lễ hội chùa Hương vẫn có nhà hàng treo thịt thú rừng hay người dân vẫn rải tiền tràn lan lên bia tiến sĩ tại Văn Miếu, ông nghĩ sao về tình trạng này?
- Các năm trước, tình trạng treo thịt thú rừng, bán đồ ăn sống vô cùng nhiều. Năm nay, từ trước Tết, chúng tôi đã có 3 đoàn công tác phối hợp với Hà Nội đến chỉnh đốn các hộ kinh doanh, nhiều quán bán thịt sống đã bị dẹp. Trước ngày diễn ra lễ hội, tôi đã xuống kiểm tra và thấy hôm đó có một hộ gia đình bán thịt dê, chúng tôi yêu cầu họ dẹp ngay. Đến nay vẫn có cán bộ thường trực tại đó kiểm soát tình hình. Tại lễ hội Yên Tử cũng đã nghiêm túc không bán thịt thú rừng.
Thói quen của du khách từ nhiều năm là đặt tiền lên chỗ nào mà thánh thần nhìn thấy được. Năm nay chúng tôi đã hướng dẫn cho dân không làm nữa, song có du khách không biết nên vẫn làm. Do vậy, vẫn phải tuyên truyền trực tiếp.
Tôi thấy rằng, một số nơi có nhiều hiện tượng tiêu cực do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, như để cho ăn xin, chèo khéo khách… Trách nhiệm của ban tổ chức là thường trực chỉnh đốn các vấn đề trong lễ hội, còn chính quyền có trách nhiệm đôn đốc, sát sao hơn. Người dân thiếu ý thức là một nguyên nhân, song ban tổ chức phải có trách nhiệm, nhiệt tình với công việc.
Như sát ngày Tết, tôi đã đến chùa Hà thấy một số người ném tiền xuống giếng. Tôi đã phản ánh với ban tổ chức và họ đã bố trí công an đứng canh tại đó. Mấy ngày sau tôi quay lại không thấy có tình trạng ném tiền xuống giếng nữa.
- Dù được tuyên truyền rất nhiều, song đốt vàng mã tại các lễ hội, chùa chiền vẫn tràn lan. Theo ông phải làm thế nào để ngăn chặn hiện tượng này?
- Năm nay việc đốt vàng mã đã giảm nhiều tại các lễ hội, duy nhất có đến Bà Chúa Kho. Ban tổ chức đã hứa hẹn giảm thiểu đốt vàng mã, song hiện nay vẫn có tình trạng đốt đồ mã rất nhiều gây ô nhiễm môi trường, tốn kém. Bộ Văn hóa sẽ đề xuất Chính phủ cấm sản xuất và lưu hành đồ mã. Hiện nay chúng ta mới có yêu cầu hạn chế đốt vàng mã nơi công cộng vì ảnh hưởng môi trường.
- Với khoảng 8.000 lễ hội trong cả nước, Bộ Văn hóa đã có kế hoạch giảm quy mô và tần suất lễ hội như thế nào?
- Hiện nay cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội là dân gian có từ xưa, ngoài ra là lễ hội cách mạng, tôn giáo hay lễ hội cà phê, dừa… do các đơn vị quảng bá sản phẩm. Chúng tôi đang soạn thảo đề án quy hoạch lễ hội, chờ lấy ý kiến các cơ quan liên quan, tổ chức hội thảo để hoàn tất vào quý III. Theo đề án quy hoạch, sẽ quy định, phân trách nhiệm quản lý lễ hội đến các tỉnh, huyện, xã. Với mục tiêu giảm quy mô và tần suất lễ hội, có lễ hội hiện mỗi năm làm một lần song sau này có thể chỉ 5 năm tổ chức một lần. Các lễ hội dân gian phù hợp điều kiện hiện tại sẽ được tồn tại, thậm chí có lễ hội cần phục dựng, còn những lễ hội không phù hợp sẽ được bỏ đi.
Số lượng lễ hội dân gian quả thực rất lớn đối với đất nước chúng ta, đây là do lịch sử để lại. Nhiều lễ hội dân gian có trùng lắp, như tỉnh này và tỉnh khác cùng thờ một người. Ví dụ Nam Định và Thái Bình đều có lễ hội đền Trần, do đó một trong hai lễ hội này cần loại bỏ để đảm bảo trang trọng, tiết kiệm.
Thịt động vật treo trên lối đi lên chùa Hương. Ảnh: Hoàng Hà.
- Vậy phải xử lý thế nào khi các địa phương đều muốn duy trì lễ hội để thu hút khách nhằm tạo nguồn thu?
- Khi có quy hoạch thì sẽ thể hiện quy mô lễ hội, các địa phương muốn nâng tầm lễ hội lên cũng khó thực hiện được. Chúng ta sẽ giao cho một địa phương tổ chức một lễ hội thay vì 3 xã tổ chức 3 lễ hội giống nhau như trước đây. Phân cấp cho các địa phương sẽ quản lý tốt hơn, giảm số lượng và giảm tần suất lễ hội.
- Cảm giác của ông như thế nào khi đi lễ hội năm nay?
- Như một người dân bình thường, tôi đi lễ hội để kiểm tra tình hình mà không báo cho chính quyền biết. Tôi có thể quan sát được nhận thức của du khách cũng như khâu tổ chức. Nếu thấy chỗ nào còn tiêu cực, hạn chế thì tôi xuất hiện và yêu cầu chỉnh đốn ngay. Đến phủ Tây Hồ, tôi thấy hai người giả sư vòi vĩnh người đi lễ nên đã thông báo cho công an Hà Nội. Hay ở chùa Phúc Khánh, tôi cũng yêu cầu nhà chùa chấn chỉnh một số hiện tượng tiêu cực tại đây.
Năm nay, nhiều nơi du khách rất đông nhưng nhiều người bảo không bị mất trộm, không gặp cảnh ùn tắc như các năm trước, điển hình như phủ Tây Hồ. Đây là điểm đáng mừng. Tôi hy vọng lễ hội các năm sau sẽ có chuyển biến tốt hơn.
Đoàn Loan