Nặng cho người quản lý, nhẹ cho người sử dụng
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội - cho rằng: “Trong lần sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 này, người dân đặc biệt quan tâm đến quy định về giá đất. Tuy nhiên, dường như quy định trong dự thảo chưa có sự đột phá, thiếu quy định về cơ chế thi hành. Dự thảo được thiết kế “nghiêng về” bảo vệ quyền của Nhà nước hơn là đi xác định một giá đất phù hợp làm căn cứ để giải quyết hài hòa những xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể trong quản lý và sử dụng đất đai. Dự thảo tạo điều kiện cho Nhà nước áp đặt ý chí của mình trong việc ấn định giá đất”.
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến đề xuất một hướng giải quyết vấn đề liên quan đến định giá đất thỏa mãn được quyền lợi cho các bên tham gia sử dụng, quản lý đất đai. Theo đó, nên có quy định Bộ Tài chính hoặc hội đồng định giá quốc gia do Chính phủ thành lập hay hiệp hội định giá đất có thẩm quyền quyết định về giá đất dựa trên bảng giá đất do các tổ chức định giá đất độc lập hoạt động chuyên nghiệp thực hiện.
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến cũng khuyến cáo: “Không nên quy định cho phép UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xác định giá đất để đảm bảo tính khách quan và tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Cũng liên quan đến vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa các bên sử dụng, quản lý đất đai, TS Phạm Văn Võ - Phó trưởng khoa Luật thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM -cho rằng, các quy định về cơ chế thu hồi đất được nêu trong dự thảo còn sơ sài, thiếu cụ thể. Sửa luật không phải như anh thợ hàn, xì chỗ nào, hàn chỗ đó, mà phải là một chiến lược lâu dài. Quyền nhà nước ở đây quá lớn, vừa có quyền giao đất, ra quyết định thu hồi đất, rồi cưỡng chế. Khi người dân khiếu nại quyết định thu hồi đất thì Nhà nước lại dùng quyền lực của mình để xử lý, làm sao có thể công tâm?
Rối rắm giá đất
TS Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM - cho rằng, nền tảng của Luật Đất đai là quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng bây giờ đất đai khác 10 năm trước, Nhà nước không còn đất để giao. Chúng ta đang có một thực tế nghiệt ngã là không còn đất công. Dự thảo lần này cần phải thống nhất là không còn đất công đâu nữa mà giao, chỉ mong sao quản lý tốt.
Cũng theo TS Trần Du Lịch: “Chúng ta lâu nay nhầm lẫn điều 12 giữa quyền định đoạt của chủ sở hữu với quyền định đoạt của Nhà nước. Nhà nước đại diện quyền quy hoạch, chính sách tài chính đất... để chống đầu cơ. Đây là quyền của Nhà nước chứ không phải của quyền chủ sở hữu. Thấy Luật Đất đai ghi giá thị trường là chỉ nói cho vui chứ không thể tìm được. Đi tìm giá thị trường là tìm lá diêu bông”.
Cũng liên quan đến vấn đề định giá đất, giá đất, thu hồi đất, trong dự thảo lần này quy định quyền của thu hồi đất của Nhà nước rất rộng. Một đại biểu cho rằng quy định đền bù theo giá thị trường mang tính định tính chứ không định lượng. Thế nào là sát, thế nào là phù hợp. Giá này là giá đất hay giá quyền sử dụng đất? Quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản, như vậy theo quy định về tài sản thì được Nhà nước bảo hộ, trong trường hợp cần thiết Nhà nước trưng mua, trưng dụng thì được đền bù theo giá thị trường, trong khi giá thị trường thì với người này giá trị 1 đồng nhưng với người khác giá của nó lên đến 10 đồng.
Một đại biểu đơn cử: “Ruộng 1 năm làm 1 vụ nhưng đụng đến miếng đất đòi 2 triệu/m2, mất 500 năm mới được giá đó. Cái đó gọi là vô lý của giá thị trường”. Câu chuyện thu hồi đất, giá đất, định giá đất sau rất nhiều dự thảo, nhiều ý kiến góp ý vẫn chưa có một hướng giải quyết thỏa mãn. Một đề xuất mang tính gợi ý đó là đừng nên dùng giá thị trường mà nên trả cho người dân 1 giá tương xứng (bao gồm vật chất và tinh thần: Việc làm, đền bù, điều kiện học hành...) chứ không phải là mua bán. Bởi thực tế cho thấy, nếu pháp luật có cơ chế bảo đảm cho người có đất bị thu hồi tham gia một cách thực chất vào quá trình thu hồi đất, định giá đất sẽ hạn chế được vấn đề dự án bị chậm vì giải phóng mặt bằng, khiếu nại, tố cáo.
Ngọc Huân
Theo Lao động