Giải đáp vướng mắc về kê khai thuế TNDN sau khi sáp nhập
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 04/11/2022, Cục thuế TP. Hà Nội có Công văn 53407/CTHN-TTHT giải đáp về kê khai thuế TNDN sau khi sáp nhập.
Tại Công văn 53407/CTHN-TTHT, Cục thuế TP. Hà Nội nêu ra một số quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư 151/2014/TT-BTC, Thông tư 96/2015/TT-BTC) như sau:
Theo đó, trừ các khoản chi không được trừ nêu tại mục 1.2 dưới đây, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật, …
Một số khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư 151/2014/TT-BTC, Thông tư 96/2015/TT-BTC), đơn cử như:
(1) Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại mục 1.1 nêu trên.
(2) Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
- Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.
- Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
+ Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).
+ Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.
+ Trường hợp năm trước doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương thì doanh nghiệp phải tính giảm chi phí của năm sau.
Ví dụ 9:
Khi nộp hồ sơ quyết toán thuế năm 2014, DN A có trích quỹ dự phòng tiền lương là 10 tỷ đồng, đến ngày 30/06/2015 (đối với trường hợp doanh nghiệp áp dụng kỳ tính thuế theo năm dương lịch), DN A mới chi số tiền từ quỹ dự phòng tiền lương năm 2014 là 7 tỷ đồng thì DN A phải tính giảm chi phí tiền lương năm sau (năm 2015) là 3 tỷ đồng (10 tỷ - 7 tỷ).
Khi lập hồ sơ quyết toán năm 2015 nếu DN A có nhu cầu trích lập thì tiếp tục trích lập quỹ dự phòng tiền lương theo quy định.
(3) Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng:
- Dự phòng giảm giá hàng tồn kho;
- Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính;
- Dự phòng nợ phải thu khó đòi;
- Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp;
- Dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.
(4) Các khoản chi phí trích trước theo kỳ hạn, theo chu kỳ mà đến hết kỳ hạn, hết chu kỳ chưa chi hoặc chi không hết
Các khoản trích trước bao gồm:
- các khoản trích trước đối với hoạt động đã tính doanh thu nhưng còn tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng (kể cả trường hợp doanh nghiệp có hoạt động cho thuê tài sản, hoạt động kinh doanh dịch vụ trong nhiều năm nhưng có thu tiền trước của khách hàng và đã tính toàn bộ vào doanh thu của năm thu tiền);
- Các khoản trích trước khác.
Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh đã ghi nhận doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chưa phát sinh đầy đủ chi phí thì được trích trước các khoản chi phí theo quy định vào chi phí được trừ tương ứng với doanh thu đã ghi nhận khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khi kết thúc hợp đồng, doanh nghiệp phải tính toán xác định chính xác số chi phí thực tế căn cứ các hóa đơn, chứng từ hợp pháp thực tế đã phát sinh để điều chỉnh tăng chi phí (trường hợp chi phí thực tế phát sinh lớn hơn số đã trích trước) hoặc giảm chi phí (trường hợp chi phí thực tế phát sinh nhỏ hơn số đã trích trước) vào kỳ tính thuế kết thúc hợp đồng.
(5) Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế bao gồm chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ (trừ lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế).
Đối với khoản nợ phải thu và khoản cho vay có gốc ngoại tệ phát sinh trong kỳ, chênh lệch tỷ giá hối đoái được tính vào chi phí được trừ là khoản chênh lệch giữa tỷ giá tại thời điểm phát sinh thu hồi nợ hoặc thu hồi khoản cho vay với tỷ giá tại thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu hoặc khoản cho vay ban đầu.
Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn như sau:
Trường hợp trong năm 2020, doanh nghiệp có phát sinh các khoản chi sau nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa thực chi thì các khoản chi này thuộc các khoản chi không được trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN:
- Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động;
- Trích trước khoản phải trả nhà cung cấp.
Trường hợp đến kỳ tính thuế năm 2021, đơn vị đã thực hiện chi trả các khoản tiền đã trích trước nêu trên thì đơn vị được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN của kỳ tính thuế mà đơn vị thực chi nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư 151/2014/TT-BTC, Thông tư 96/2015/TT-BTC).
Trường hợp đơn vị thực hiện trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng và phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế thì không được trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư 151/2014/TT-BTC, Thông tư 96/2015/TT-BTC).
Việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp và ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Xem chi tiết tại Công văn 53407/CTHN-TTHT ngày 04/11/2022.
Văn Trọng