Hai người Trung Quốc tên Nong Weijie và Su Yong Ri, đang là nhân viên kinh doanh của Công ty Xây dựng Kim Long (164 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội).
Để trộm cước viễn thông, hai người này đã thuê đường Internet cáp quang có tốc độ đường truyền cao, sau đó, sử dụng sim của các mạng di động (công an thu được tại hiện trường khoảng hơn 6.700 sim của Viettel) để kết nối vào các mạng viễn thông của Việt Nam.
Đáng chú ý, trong vụ trộm cước viễn thông quy mô lớn trên, thanh tra Bộ còn phát hiện việc ông Nguyễn Văn Long, sinh năm 1987, thường trú tại Thanh Oai, Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ viễn thông Văn Long, đã đứng ra đăng ký hơn 500 sim trả sau của mạng Viettel và sau đó cho hai đối tượng người Trung Quốc ở trên thuê lại để thực hiện hành vi trộm cước viễn thông.
Một vấn đề đặt ra, liệu nhà mạng Viettel có trách nhiệm liên đới gì khi cho phép một cá đăng ký và sở hữu hơn 500 sim thuê bao trả sau, thêm nữa, trong khi theo quy định Thông tư 04 của Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu chỉ được phép đăng ký tối đa 3 số thuê bao di động trên cùng một mạng.
Khá nhanh nhạy, Viettel đã có thông cáo phản hồi và cho rằng có những chi tiết (đã đăng tải trên báo chí - PV) gây hiểu nhầm Viettel có sai phạm khi vi phạm quy định về quản lý thuê bao di động. “Viettel khẳng định hoàn toàn tuân thủ quy định pháp luật trong vụ việc này”, thông cáo viết.
Theo giải thích của Viettel, “số sim trên được cấp phát trên cơ sở hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông được ký kết ngày 8/8/2012 giữa Công ty Viễn thông Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội) - Bên B - và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ viễn thông Văn Long - Bên A - do Nguyễn Văn Long là Giám đốc. Như vậy, đây là số sim thuê bao đi động trả sau được cấp phát cho một tổ chức, không phải cá nhân”.
Hình minh họa.
Tập đoàn này lý giải, việc đặt vấn đề Viettel đã vi phạm quy định mỗi cá nhân chỉ được đăng ký tối đa 3 sim tại mỗi mạng di động có thể do hiểu nhầm Thông tư 04, vì điều này chỉ quy định đối với sim trả trước.
“Cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý chưa có văn bản nào quy định về việc giới hạn số lượng sim thuê bao di động trả sau được phép cấp phát cho mỗi cá nhân, tổ chức”, Viettel lập luận. Khẳng định của Viettel có thể hiểu, vì cơ quan quản lý chưa quy định giới hạn số lượng sim trả sau được cấp phát, nên Viettel hoàn toàn không vi phạm pháp luật.
Trao đổi với VnEconomy sáng nay (4/4), đại diện của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông nói, đúng là về luật thì không cấm, nhưng các doanh nghiệp đã vượt qua những giới hạn khó kiểm soát và “biết đâu còn có những vụ khác mà thanh tra chưa theo dõi, kiểm tra được”.
“Một người bình thường làm giám đốc doanh nghiệp liệu có đứng ra mua 500 - 600 sim trả sau cho nhân viên mình không? Chắc chắn không bao giờ. Nhà mạng biết điều đó nhưng vì luật không cấm nên họ cứ làm. Tuy nhiên, đây chính là một nguyên nhân làm gia tăng lưu lượng viễn thông quốc tế trái phép về Việt Nam”, ông này nói.
Hiện tại, theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, lưu lượng các cuộc gọi lậu đang chiếm từ 15-20% trong tổng lưu lượng trên toàn hệ thống.
Thủy Diệu
Theo VnEconomy