Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Trình bày Tờ trình Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, trước bối cảnh giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới vẫn liên tục biến động, khó dự báo, để góp phần ổn định giá xăng, dầu, kiềm chế lạm phát, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ thẩm quyền được giao, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ việc xây dựng Nghị quyết nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và bình ổn thị trường xăng dầu trước bối cảnh giá dầu thô biến động phức tạp. Đồng thời, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi giá xăng dầu vẫn ở mức cao.
Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023 như quy định tại Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức sàn trong Biểu khung thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023
Chính phủ đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Đồng thời cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong trường hợp giá xăng dầu thế giới biến động giảm, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất để trình Ủy ban Thường vụ quốc hội phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cho phù hợp với tình hình thực tế.
Làm rõ tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần kìm hãm việc tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần giảm chỉ số CPI, kiềm chế lạm phát và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi giá xăng dầu vẫn còn ở mức cao. Tuy nhiên việc giảm thuế cũng có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường trong năm 2023 để tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng cho biết về mức độ giảm, nhiều ý kiến cũng cho rằng trong bối cảnh giá dầu thô thế giới cuối năm 2022 đã có dấu hiệu hạ nhiệt so với thời điểm đầu năm, dự báo giá dầu thô trong năm 2023 cũng thấp hơn mức ước bình quân năm 2022, việc Chính phủ đề xuất tiếp tục áp dụng mức sàn trong Biểu khung thuế bảo vệ môi trường đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn như quy định tại Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 là chưa thực sự thuyết phục, chưa phù hợp với bản chất và mục tiêu của thuế bảo vệ môi trường đồng thời có thể ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm tác động có hại đến môi trường.
Tờ trình của Chính phủ chưa tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện các tác động của việc giảm thuế bảo vệ môi trường trong năm 2022, đặc biệt là các tác động tiêu cực, dẫn đến chưa bảo đảm đầy đủ các căn cứ, chưa cung cấp đủ thông tin để xem xét, quyết định việc tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường trong năm 2023 như đã áp dụng trong năm 2022.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến giá xăng dầu trên thị trường thế giới tại từng thời điểm điều chỉnh giá bán trong nước; đánh giá kỹ hơn về tác động của từng yếu tố (giá bán trên thị trường thế giới, giảm thuế bảo vệ môi trường) tác động đến việc giảm giá trong nước để bảo đảm tính chính xác, đầy đủ trong các nhận định, đánh giá thể hiện trong Tờ trình. Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 8/8/2022 điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu đối với xăng từ 20% xuống 10%. Tuy nhiên, Tờ trình chưa báo cáo các giải pháp khác Chính phủ đã áp dụng để góp phần bình ổn thị trường xăng, dầu trong nước. Việc áp dụng mức sàn thuế bảo vệ môi trường như phương án đề xuất của Chính phủ sẽ làm giảm thu NSNN khá lớn.
Do đó, Chính phủ cần xác định mức thuế bảo phù hợp, bảo đảm thể hiện đúng bản chất của thuế bảo vệ môi trường, tuân thủ các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26, thể hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp song phải bảo đảm hài hòa về lợi ích.
Bảng biểu so sánh biểu khung thuế bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; theo đề xuất của Chính phủ và đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách
Từ các nhắc trên, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn ở mức giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa so với mức trần Biểu khung thuế. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, việc giảm thuế có mức độ này sẽ để lại dư địa để có thể tiếp tục điều chỉnh trong trường hợp cần thiết sau này.
Qua thảo luận, để tiếp tục góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục giảm tiếp bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc triển khai quá muộn nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023
Về mức giảm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc điều chỉnh mức thế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo phương án của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Mức thuế trên được áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày mùng 1/1/2024 thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, để đảm bảo không tăng giá song xăng dầu trong dịp Tết, đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực ngay trong ngày 31/12/2022, để Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung phiên họp
Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định để quản lý, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá thế giới; có đủ các giải pháp để đảm bảo giá bán xăng dầu hợp lý phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống của Nhân dân và kiểm soát lạm phát; rà soát, điều chỉnh phù hợp các khoản thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức chi phí định mức cao, ổn định mức lợi nhuận; nâng cao năng lực dự trữ quốc gia; sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn thị trường. Chú ý các giải pháp phải đảm bảo nguồn lực và tiếp tiếp tục thực hiện các mục tiêu liên quan đến môi trường và phát triển bền vững và có biện pháp đề xuất khi tình hình có diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh hợp lý các vấn đề có liên quan đến phí và thuế liên quan đến lĩnh vực xăng dầu.
Bảo Yến – Phạm Thắng