Ảnh minh hoạ |
Việc đạt được xuất siêu trong năm 2012 và 2 tháng đầu năm 2013 được các chuyên gia bình luận dưới hai góc độ khác nhau.
Trong điều kiện các đối tác thương mại lớn của Việt Nam chưa phục hồi tăng trưởng, thậm chí vẫn còn vướng vào khủng hoảng nợ công, suy giảm tăng trưởng, và không ít quốc gia giảm giá đồng tiền để bảo vệ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu, hoặc dựng lên các hàng rào kỹ thuật khác…, thì đó là kết quả tích cực.
Kết quả này đạt được do có những giải pháp khuyến khích xuất khẩu, đồng thời kiềm chế nhập khẩu đối với những mặt hàng không khuyến khích hoặc cần kiềm chế thông qua việc ưu tiên cho vay vốn tín dụng, lãi suất cho vay, cung ứng ngoại tệ… Đây cũng là nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tăng lượng hàng xuất khẩu, trong điều kiện giá xuất khẩu bị giảm xuống, và tìm thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường lớn.
Nhờ đó mà tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao và thường xuyên cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (năm 2012 tăng 18,2% so với 6,6%, 2 tháng đầu năm tăng 22% so với 14,1%). Nhìn dưới góc độ này, xuất siêu không chỉ là sự chuyển đổi vị thế trong quan hệ buôn bán của Việt Nam với nước ngoài mà còn góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng khá về dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá trong thời gian tương đối dài, kiềm chế lạm phát trong gần 2 năm qua.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, xuất siêu trong thời gian qua có một phần quan trọng là do đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng ở trong nước bị co lại, kéo nhu cầu nhập khẩu bị giảm theo, làm cho tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước của nhập khẩu liên tục thấp hơn của xuất khẩu, trong đó có nhiều mặt hàng nhập khẩu còn bị giảm…
Năm 2012, xăng dầu các loại giảm 13,8%, khí đốt hóa lỏng giảm 11,6%, phân bón các loại giảm 6,9%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 0,2%, sản phẩm từ giấy giảm 11,4%, bông các loại giảm 16,7%, xơ sợi các loại giảm 8,4%, sắt thép các loại giảm 7,2%, kim loại thường khác giảm 2,4%, linh kiện phụ tùng ô tô giảm 28,3%... Hai tháng đầu năm 2013, nhập khẩu một số mặt hàng tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước, như xăng dầu giảm 28,3%, khí đốt hóa lỏng giảm 43,9%, hóa chất giảm 6,5%, nguyên phụ liệu dược phẩm giảm 6,2%, xơ sợi dệt giảm 2,6%, sắt thép các loại giảm 2,6%, linh kiện phụ tùng ô tô giảm 4,1%...
Nguồn: Tính toán từ ước tính của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan |
Nhập siêu trong tháng 3 và tháng 4 đã trở lại với quy mô không nhỏ. Tính chung 2 tháng 3 và 4, so với cùng kỳ năm trước xuất khẩu chỉ tăng 12,8%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trong 2 tháng đầu năm (22%), trong khi nhập khẩu tăng tới 28,9%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng trong 2 tháng đầu năm (14,1%) và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của xuất khẩu. Hai tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất siêu 821 triệu USD, nhưng sang tháng 3 và 4 nhập siêu lên đến 1.543 triệu USD, tính chung 4 tháng đầu năm đã nhập siêu 722 triệu USD.
Khi nhập siêu trở lại trong 2 tháng 3 và 4, các chuyên gia cũng đưa ra bình luận dưới hai góc độ khác nhau.
Ở góc nhìn thứ nhất, đó là trạng thái mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô đã tiên liệu, thể hiện ở kế hoạch năm 2013 (với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu là 10%, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu là 8%, suy ra kim ngạch nhập siêu tuyệt đối là 10 tỷ USD và tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu lên đến trên dưới 19%). Thực tế, xuất khẩu trong 4 tháng ước đạt gần 39,5 tỷ USD, tăng 16,9%, nhập khẩu ước đạt 40,2 tỷ USD, tăng 18%, nhập siêu mới ở mức trên 0,7 tỷ USD, bằng 1,8% kim ngạch xuất khẩu.
Một số mặt hàng có tốc độ tăng khá cao, như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù; sắt thép các loại; hàng dệt may; giày dép các loại; hạt tiêu; gỗ và sản phẩm gỗ; sản phẩm từ chất dẻo… Riêng mặt hàng gạo, lượng xuất khẩu tính đến 15/4 đã đạt trên 1,92 triệu tấn, tăng 11,4% so với cùng kỳ, kim ngạch đạt gần 851 triệu USD, tăng 2,9%, giá xuất khẩu giảm 7,4%. Mới qua 3,5 tháng, nhưng đã có 10 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (cao nhất là điện thoại các loại và linh kiện); tiếp đến là dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dầu thô; giày dép các loại; hàng thủy sản; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng.
Nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất từ tháng 3, đặc biệt là tháng 4, đã tăng cao trở lại, hoặc giảm ít hơn trước đó. Chẳng hạn máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; bông các loại; xơ sợi dệt các loại; chất dẻo nguyên liệu; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; sắt thép; hóa chất, sản phẩm hóa chất; dược phẩm; xăng dầu các loại; vải các loại…
Ở góc nhìn thứ hai, nhập siêu tăng lên sẽ gây áp lực đến cán cân tổng thể, đến dự trữ ngoại hối, đến tỷ giá. Đó là những kết quả đã đạt được trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 phải phấn đấu quyết liệt mới đạt được.
Một số mặt hàng trước đây không khuyến khích hoặc kiểm hoát nhập khẩu, thì nay có tốc độ tăng cao hơn trước, như xe máy nguyên chiếc, ô tô nguyên chiếc (9 chỗ ngồi trở xuống), điện thoại, sản phẩm điện tử, một số loại hàng hóa khác…
Vì vậy, cần tiếp tục xác định những mặt hàng cần khuyến khích, những mặt hàng không khuyến khích hoặc cần kiểm soát; trên cơ sở đó để cung cấp tín dụng, cung ứng ngoại tệ phù hợp. Bên cạnh đó, cần kiểm tra xử lý tình trạng nhập lậu, gian lận thương mại.
Minh Ngọc