Thủ tục cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan với công chức hải quan đã chuyển công tác, nghỉ hưu
Ngày 13/01/2023, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 40/QĐ-BTC về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Thuế, Hải quan.
Theo đó, tại Quyết định 40/QĐ-BTC ngày 13/01/2023 đã sửa đổi thủ tục cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan với công chức hải quan đã chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc tại Thông tư 79/2020/TT-BTC như sau:
* Yêu cầu, điều kiện thực hiện:
Công chức hải quan giữ ngạch kiểm tra viên hải quan có 09 năm công tác liên tục hoặc kiểm tra viên chính hoặc kiểm tra viên cao cấp sau khi chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc (không bao gồm trường hợp kỷ luật buộc thôi việc) được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có quyết định chuyển công tác, hoặc nghỉ hưu hoặc nghỉ việc.
* Trình tự thực hiện:
- Bước 1: Nộp hồ đề nghị cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan:
Công chức hải quan sau khi chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc có nhu cầu cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan lập hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan gửi Tổng cục Hải quan
- Bước 2: Cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan:
Tổng cục Hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và điều kiện theo quy định và thực hiện cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan hoặc có văn bản trả lời và nêu rõ lý do đối với trường hợp không đủ điều kiện.
* Cách thức thực hiện:
- Nộp hồ sơ trực tiếp;
- Gửi hồ sơ qua bưu điện.
* Thành phần, số lượng hồ sơ:
** Thành phần hồ sơ:
- Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan theo mẫu số 11 ban hành kèm theo Thông tư 79/2022/TT-BTC: 01 bản chính;
Mẫu số 11 |
- Một (01) ảnh màu 3x4 chụp trong thời gian 06 (sáu) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự thi có ghi rõ họ tên, năm sinh ở mặt sau của ảnh.
** Số lượng hồ sơ: 01 bộ
* Thời hạn giải quyết:
05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan.
* Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Công chức hải quan đã chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc thôi việc.
* Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính:
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Tổng cục Hải quan
- Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): Không
- Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Tổng cục Hải quan.
- Cơ quan phối hợp (nếu có): Không.
* Phí, lệ phí: Nộp lệ phí thi theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo khoản 1 Điều 15 Luật Hải quan 2014 thì công chức hải quan là người có đủ điều kiện được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan hải quan; được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Nhiệm vụ của Hải quan Việt Nam theo Điều 12 Luật Hải quan 2014 như sau:
Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan 2014 và quy định khác của pháp luật có liên quan; kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Xem thêm Quyết định 40/QĐ-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.