Số máy lạ không nghe, làm sao gần dân?
Chiều 31/5, QH thảo luận ở tổ về dự án luật Tiếp công dân. Mở đầu cho phần phát
biểu của mình, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) đặt câu hỏi: “Không biết có nước nào mà
khiếu nại tố cáo nhiều như nước mình không? Có những người đi kiện từ năm 1990
đến giờ, đoàn nào cũng tiếp cả mà vẫn không giải quyết được”.
Phần phát biểu của ĐB Phan Văn Tam (Hà Nam) đã phần nào lý giải được tình trạng
này: “Hiện nay, nhận thức của lãnh đạo và cán bộ địa phương (về việc tiếp dân
- PV) còn mờ nhạt, không đầy đủ do tiếp công dân thực sự là việc khó, ai
cũng ngại nên thường giao cho những người rỗi rãi hoặc thiếu năng lực khiến dân
chán và hành xử thiếu văn hóa, kích động”.
Còn ĐB Lê Trọng Sang (TP HCM) thì cho rằng hiện nay có tình trạng bố trí người
theo kiểu “không bố trí ở đâu được nữa mới đưa về bộ phận tiếp dân”.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Thấy số điện thoại lạ cán bộ không nghe, làm sao gần dân được? |
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng nhận định tiếp dân là phải lắng nghe nguyện
vọng của nhân dân, nhưng “phải nói thật cán bộ xa dân nhiều, ít người nghe điện
thoại của dân, thấy số lạ không nghe, không nghe làm sao gần dân được?”.
Theo ông Thuyền, tiếp dân phải là người có năng lực, uy tín. Nếu người có năng
lực, có uy tín thì giải thích dân mới chịu nghe. Nhiều trường hợp lãnh đạo đến
nói thì dân nghe, nhưng cấp dưới nói cũng như vậy dân không đồng tình.
“Nên tôi cho rằng, người tiếp dân phải có tiêu chuẩn, có năng lực chứ không phải
cử ai tiếp dân cũng được”, ông Thuyền nói.
Theo dự luật, tiêu chuẩn cán bộ tiếp công dân sẽ do Chính phủ quy định. Các ĐB
đánh giá điều này là không cần thiết mà nên quy định rõ trong luật với các tiêu
chí như am hiểu luật pháp, có khả năng thuyết phục, kiên trì, nhiệt huyết v.v…
Người đứng đầu ít khi xuất hiện
Các ĐBQH nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các tổ chức tiếp dân. ĐB Phạm Văn
Gòn (TP HCM) nói trách nhiệm của người đứng đầu là quan trọng nhất, nếu họ sắp
xếp, quan tâm đúng mức thì công tác tiếp dân mới hiệu quả, nếu không thì họ sẽ
“né” mỗi khi dân đến.
ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đồng tình: “Phải là người đứng đầu mới giải
quyết triệt để được những bức xúc của dân”.
Còn ĐB Vũ Chí Thực, GĐ Công an tỉnh Quảng Ninh cũng cho hay, người đứng đầu phải
trả lời bằng văn bản đối với ý kiến của dân và phải được quy định rõ trong luật.
Trả lời bằng văn bản thể hiện trách nhiệm cao, thể hiện suy nghĩ, nghiêm túc của
anh đối với ý kiến của dân.
Theo ông Thực, tiếp công dân là để xử lý, lắng nghe nhưng quan trọng nhất là
cách ứng xử của cơ quan, tổ chức với dân sao cho hợp lý, tránh lẫn lộn với xử lý
của luật khiếu nại tố cáo.
Ông Thực cũng đánh giá quy định về trách nhiệm trong luật Tiếp công dân chưa rõ
nét. Trong tiếp công dân lâu nay, người đứng đầu rất ít khi xuất hiện. “Kinh
nghiệm cho thấy nếu có những vụ việc mà người đứng đầu xuất hiện thì việc to sẽ
thành bé. Nếu cái gì sai thì chúng ta nhận”, ông nói.
ĐB Lê Trọng Sang: Có tình trạng bố trí người
theo kiểu “không bố trí ở đâu được nữa mới đưa về bộ phận tiếp dân” |
Các ĐBQH đề xuất cơ quan nhà nước cần tiếp dân ở tất cả mọi vấn đề, không nói
“không phải chức năng, nhiệm vụ thì không tiếp”. Cần phân cấp trong hệ thống
tiếp dân để tránh tình trạng “trên trung ương cứ tiếp nhận đơn, sau đó thì muốn
êm đi nên yêu cầu địa phương xử lý” khiến người dân gửi một đơn đi khắp các nơi
làm sự việc thêm rối rắm.
Về bộ máy tổ chức, ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đề nghị ở cấp tỉnh phải có cơ
quan chuyên trách giúp việc trực tiếp cho người đứng đầu. Việc tổ chức tiếp công
dân như thế nào cũng rất quan trọng vì công dân đến để gặp người có thẩm quyền
chứ không phải chỉ đơn gửi đơn.
“Cần tránh tình trạng công dân đến trụ sở chỉ gửi được đơn rồi về, không giải
quyết được gì, chẳng khác nào hộp thư đón nhận ý kiến”, ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh
Hòa) nói.
C.Quyên - T.Chung - X.Linh - Ảnh: Minh Thăng
Theo Vietnamnet