Điều kiện cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng với cán bộ, công chức

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
05/05/2023 14:07 PM

Điều kiện cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng với cán bộ, công chức là nội dung tại Thông tư 3/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023.

Điều kiện cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng với cán bộ, công chức

Điều kiện cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng với cán bộ, công chức (Hình từ Internet)

Ngày 30/4/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 3/2023/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

1. Điều kiện cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng với cán bộ, công chức

Theo đó, học viên được cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng với cán bộ, công chức, viên chức nếu đủ các điều kiện theo Điều 6 Thông tư 3/2023/TT-BNV như sau:

- Tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng.

- Có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng; các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án phải đạt từ 50% số điểm trở lên theo thang điểm quy định của chương trình.

- Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; quy chế, nội quy học tập của Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu. 

2. Các trường hợp thu hồi chứng chỉ chương trình bồi dưỡng với cán bộ, công chức

Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 3/2023/TT-BNV thì chứng chỉ chương trình bồi dưỡng, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học với cán bộ, công chức, viên chức bị thu hồi trong các trường hợp sau:

- Có sự gian lận trong việc chiêu sinh, học tập đối với người được cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận.

- Cấp cho người không đủ điều kiện; cấp không đúng thẩm quyền.

- Chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa.

- Để cho người khác sử dụng.

- Do lỗi của Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu.

3. Tiêu chí đánh giá chất lượng bồi dưỡng với cán bộ, công chức

Tiêu chí đánh giá chất lượng bồi dưỡng với cán bộ, công chức, viên chức theo Điều 24 Thông tư 3/2023/TT-BNV như sau:

- Chương trình, tài liệu:

+ Mục tiêu của chương trình được xác định rõ ràng.

+ Chuẩn đầu ra của chương trình được xác định rõ ràng, đáp ứng được các yêu cầu mà học viên cần đạt sau khi hoàn thành chương trình.

+ Nội dung tài liệu không trùng lặp với nội dung của các tài liệu khác.

+ Nội dung tài liệu bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn.

+ Tài liệu được biên soạn bảo đảm cân đối giữa lý thuyết, câu hỏi thảo luận, thực hành và bài tập tình huống thực tiễn.

+ Tài liệu có cấu trúc, trình tự logic; ngôn ngữ, chính tả và thể thức đúng quy định.

+ Đóng góp của mỗi phần, mỗi chuyên đề trong tài liệu đối với việc đạt chuẩn đầu ra là rõ ràng.

+ Tài liệu được thiết kế, biên soạn dựa trên chuẩn đầu ra của chương trình.

- Học viên:

+ Tích cực trao đổi, thảo luận nội dung các chuyên đề của khóa bồi dưỡng.

+ Tích cực chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, tình huống thực tế trong thời gian học tập.

+ Thực hiện tốt các hướng dẫn học tập của giảng viên.

+ Thực hiện đầy đủ các quy định của khóa bồi dưỡng, của Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu.

- Giảng viên:

+ Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của giảng viên phù hợp với nội dung giảng dạy.

+ Giảng viên hướng dẫn, khuyến khích và phát huy kinh nghiệm thực tế của học viên trong quá trình học tập.

+ Giảng viên thực hiện đúng quy định của chương trình, tài liệu về thời gian giảng lý thuyết, thảo luận, thực hành và hướng dẫn giải quyết bài tập tình huống thực tiễn. 

+ Giảng viên có biểu hiện tốt về tư tưởng chính trị. 

+ Giảng viên đối xử hòa nhã và có thái độ văn minh, lịch sự trong giao tiếp với học viên.

+ Giảng viên sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp để đạt được chuẩn đầu ra của chương trình.

- Cơ sở vật chất và các hoạt động hỗ trợ:

+ Phòng học và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập.

+ Tài liệu và đồ dùng giảng dạy, học tập đáp ứng yêu cầu của khóa học.

+ Các dịch vụ hậu cần phục vụ khóa học được cung ứng kịp thời, bảo đảm chất lượng.

+ Nhân viên Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu có tinh thần, thái độ và trách nhiệm phù hợp.

+ Các quy định về giảng dạy và học tập của Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu bảo đảm đúng quy định của pháp luật, được thông báo kịp thời, đầy đủ cho giảng viên, học viên.

+ Hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập phù hợp, bảo đảm khách quan, chính xác.

- Khóa bồi dưỡng:

+ Nội dung khóa bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu của học viên.

+ Khóa học mang lại sự thiết thực, hữu ích cho học viên.

+ Học viên chủ động, tích cực tham gia các hoạt động học tập của khóa bồi dưỡng.

+ Công tác giảng dạy của giảng viên được chuẩn bị tốt.

+ Khóa bồi dưỡng được tổ chức bài bản, khoa học.

+ Các điều kiện phục vụ cho khóa bồi dưỡng được Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu đáp ứng tốt.

- Hiệu quả bồi dưỡng:

+ Sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng, hiểu biết của học viên đối với lĩnh vực đã học tập được nâng cao.

+ Học viên sử dụng kỹ năng được bồi dưỡng vào trong công việc đạt được tiến bộ.

+ Thái độ của học viên (đối với công việc, đồng nghiệp, cấp trên) có chuyển biến tích cực.

+ Chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của học viên được nâng lên sau khi bồi dưỡng.

Xem thêm Thông tư 3/2023/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/6/2023, thay thế Thông tư 01/2018/TT-BNVThông tư 10/2017/TT-BNV.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,596

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]