Mỗi ngành một giá
Chính phủ đã có quy định về mức trần học phí đối với trình độ đại học ở các trường công lập theo nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà từ năm học 2013 - 2014: Các ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản (nhóm 1) 4,85 triệu đồng/năm; ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch (nhóm 2) 5,65 triệu đồng/năm; ngành Y dược (nhóm 3) 6,85 triệu đồng/năm. Đối với học phí đào tạo theo tín chỉ, mức thu học phí của một tín chỉ được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành đào tạo.
Do quy định học phí theo nhóm ngành nên nhiều trường đại học có mức thu phí khác nhau. Năm học 2013 - 2014, Trường ĐH Mỏ - Địa chất quy định mức thu học phí đối với sinh viên ĐH, CĐ chính quy vừa theo niên chế vừa theo tín chỉ, cụ thể: đối với sinh viên học chương trình đào tạo theo niên chế, học kỳ 1, sinh viên hệ đại học chính quy, liên thông cao đẳng lên đại học chính quy, mức thu: 530.000 đồng/tháng/sinh viên, hệ Cao đẳng mức thu: 424.000 đồng/tháng/sinh viên. Học kỳ II có tăng lên chút, cụ thể, sinh viên hệ cao đẳng, mức thu: 448.000 đồng/tháng/sinh viên. Sinh viên hệ đại học chính quy, liên thông cao đẳng lên đại học chính quy, mức thu: 560.000 đồng/tháng/sinh viên. Đối với sinh viên học chương trình đào tạo theo tín chỉ, sinh viên hệ đại học chính quy, liên thông cao đẳng lên đại học chính quy, mức thu, học kỳ I: 165.000 đồng/tín chỉ/sinh viên; Học kỳ II: 175.000 đồng/tín chỉ/sinh viên.
ĐH Nông nghiệp Hà Nội quy định mức học phí, ngành học và mã môn học Thú y, học Tín chỉ là 160.000đ/tín chỉ; Học theo niên chế 570.000/tháng. Ngành Tin học, Sinh học, Thực phẩm, Chăn nuôi, theo tín chỉ 140.000 đồng/tín chỉ, theo niên chế 480.000/tháng. Các ngành còn lại theo tín chỉ là 120.000 đồng/tín chỉ, theo niên chế là 420.000 đồng/tháng.
Trường ĐH Ngoại thương quy định mức học phí năm học 2013 - 2014 đối với hệ đào tạo chính quy học theo niên chế mức thu hệ CĐ là 3,9 triệu đồng/năm; hệ Hoàn thiện kiến thức là 6,4 triệu đồng/năm. Đối với hệ chính quy đàotạo theo hình thức tín chỉ, hệ cử nhân chính quy 130.000/tín chỉ; Hệ CĐ là 110.000 đồng/tín chỉ; Hệ hoàn thiện kiến thức là 180.000 đồng/tín chỉ…
Còn tại tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh quy định về mức thu học phí tại các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, trung cấp chuyên nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm học 2013 - 2014. Theo đó, đối với trường Đại học Hải Dương, nhóm ngành: Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thuỷ sản, mức thu là 460.000đ/học sinh/tháng (hệ đại học), 370.000đ/học sinh/tháng (hệ Cao đẳng chuyên nghiệp); 320.000đ/học sinh/tháng (hệ trung cấp chuyên nghiệp). Nhóm ngành: Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch mức thu là 515.000đ/học sinh/tháng (hệ đại học). 400.000đ/học sinh/tháng (hệ Cao đẳng chuyên nghiệp); 345.000đ/học sinh/tháng (hệ Trung cấp chuyên nghiệp).
Để giúp các sinh viên giảm bớt khó khăn trong đầu năm học mới, vừa qua, Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập giãn thời gian điều chỉnh học phí năm học 2013 - 2014. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp không được ép buộc học sinh, sinh viên đóng học phí một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học (trừ trường hợp người học tự nguyện), nhất là vào đầu năm học mới.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập xây dựng tiến độ điều chỉnh mức học phí một cách hợp lý. Mức học phí phải phù hợp với nhóm ngành nghề đào tạo và hình thức đào tạo. Học phí được thu định kỳ hàng tháng.
Bộ cũng yêu cầu, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc Trung ương quản lý cần đăng ký với Bộ chủ quản về lộ trình, mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh học phí.
Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học
và giáo dục nghề nghiệp công lập xây dựng tiến độ điều chỉnh mức học phí một
cách hợp lý.
Trường ngoài công lập: Không dám tăng học phí
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh nhưng hầu hết các trường ĐH ngoài công lập vài năm trở lại đây không dám tăng học phí. Thậm chí mức học phí của nhiều trường chỉ nhỉnh hơn trường công lập một chút như trường ĐH Chu Văn An, Bậc ĐH: 590.000 đến 650.000đ/tháng, bậc CĐ: 490.000 đến 520.000đ/tháng; ĐH Công nghệ Đông Á, Bậc ĐH: 700.000đ/1 tháng, bậc CĐ: 500.000đ/1 tháng; ĐH Lương Thế Vinh, bậc ĐH: 650.000đ/1 tháng, bậc CĐ: 600.000đ/1 tháng; ĐH Hà Hoa Tiên, bậc CĐ: 400.000đ/tháng, bậc ĐH: 500.000đ/tháng, (tương đương 135.000đ - 165.000đ/tín chỉ); ĐH Hòa Bình, bậc ĐH 7.950.000đ/năm, bậc CĐ: 6.450.000đ/năm; ĐH Thành Đô, bậc ĐH: 550.000đ/tháng (5.500.000đ/ năm), bậc CĐ: 450.000đ/ tháng (4.500.000đ/năm); ĐH Thành Đông, bậc ĐH: 580.000đ/tháng, bậc CĐ: 500.000đ/tháng… Còn lại các trường ĐH ngoài công lập khác mức học phí có nhỉnh hơn các trường ĐH trên đôi chút.
Đối với các trường ĐH ngoài công lập phía Nam, học phí cũng không tăng như trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, bậc ĐH: 3.900.000đ/học kỳ; bậc CĐ: 3.300.000đ/học kỳ; trường ĐH Bình Dương, bậc ĐH: Các ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ sinh học, kiến trúc là 4.950.000đ/học kỳ. Các ngành còn lại là 4.840.000đ/học kỳ. Bậc CĐ: Các ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng là 3.630.000đ/học kỳ. Các ngành còn lại là 3.410.000đ/học kỳ. Trường ĐH Cửu Long, bậc ĐH: Các ngành quản trị kinh doanh; quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; kinh doanh thương mại; kế toán; tài chính - ngân hàng: 3.850.000đ/học kỳ. Các ngành công nghệ thực phẩm; nông học; công nghệ sinh học: 4.150.000đ/học kỳ. Các ngành Đông phương học; tiếng Việt và văn hóa Việt Nam: 3.300.000đ/học kỳ. Ngành ngôn ngữ Anh 4.000.000đ/học kỳ. Các ngành còn lại 4.200.000đ/học kỳ. Bậc CĐ: Ngành Công nghệ thông tin 3.300.000đ/học kỳ. Các ngành còn lại là 3.000.000đ/học kỳ…
Hồng Hạnh
Xem Nghị định 49/2010/NĐ-CP về mức học phí tại cơ sở giáo dục công lập tại đây |