Đề xuất hỗ trợ chi sinh hoạt phí cao nhất 6.750.000 đồng/người/tháng cho lưu học sinh Lào và Campuchia (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam năm 2024.
dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam |
Theo đó, dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam nêu rõ nội dung chi và định mức chi kinh phí đào tạo.
(i) Nội dung chi như sau:
- Chi thường xuyên bao gồm các khoản chi cho công tác giảng dạy và học tập, bao gồm cả chi phí biên dịch, phiên dịch tài liệu (nếu có), chi đi học tập, khảo sát thực tế cho các lớp bồi dưỡng ngắn hạn (nếu có), chi hỗ trợ tiền ở cho lưu học sinh.
- Các khoản chi một lần cho cả khóa học: chi hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, thực hành và trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của lưu học sinh ở tại kí túc xá, chi tham quan, chi làm hồ sơ thủ tục nhập học, chi tổng kết, kết thúc khoá học và bảo vệ luận văn tốt nghiệp, chi tặng phẩm, chi đón và tiễn lưu học sinh đi và về tại sân bay quốc tế Việt Nam.
- Chi phí khác
+ Chi khám bệnh tổng thể đầu khóa học, chi khám bệnh tổng thể định kỳ hàng năm; chi bảo hiểm y tế.
+ Chi nhân ngày Quốc khánh Việt Nam và Quốc khánh nước bạn, Tết cổ truyền Việt Nam và Tết cổ truyền nước bạn.
(ii) Định mức chi kinh phí đào tạo như sau:
- Hệ đào tạo dài hạn: 3.350.000 đồng/người/tháng.
- Hệ đào tạo ngắn hạn: 7.150.000 đồng/người/tháng.
- Các cơ sở đào tạo thuộc khối quốc phòng, an ninh, cơ yếu, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật được cấp tăng thêm 10% kinh phí đào tạo được cấp cho hệ đào tạo tương ứng quy định nêu trên.
- Đối với các mức chi cụ thể của các mục chi nêu tại khoản (i): áp dụng theo định mức quy định của cơ sở đào tạo phù hợp với quy định của pháp luật và căn cứ dự toán của cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổng các khoản chi không vượt quá định mức chi nêu tại khoản (ii). Trường hợp có chênh lệch, cơ sở đào tạo sử dụng các nguồn hợp pháp khác để bù đắp, đảm bảo công tác đào tạo cho lưu học sinh.
(Điều 4 dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam)
Tại Điều 5 dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam quy định chi sinh hoạt phí được cấp cho lưu học sinh theo định mức sau:
- Lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ trung học: 4.300.000 đồng/người/tháng.
- Lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ đại học, bao gồm cả khóa học dự bị tiếng Việt để thi tuyển vào hệ đại học: 4.750.000 đồng/người/tháng
- Lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ sau đại học, bao gồm cả khóa học dự bị tiếng Việt để thi tuyển vào hệ sau đại học: 5.350.000 đồng/người/tháng
- Lưu học sinh đào tạo, tập huấn ngắn hạn: 6.750.000 đồng/người/tháng.
(Điều 5 dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam)
- Nội dung chi:
+ Hỗ trợ trang cấp cá nhân cần thiết ban đầu được cơ sở đào tạo cấp một lần cho một lưu học sinh để sử dụng trong cả khoá học bao gồm các vật dụng cần thiết như quần áo, cặp sách, chăn, màn, chậu rửa, ...Trường hợp bị mất hoặc hư hỏng, lưu học sinh không được cấp lại.
+ Lưu học sinh đã được hỗ trợ trang cấp cá nhân ban đầu khi sang học tiếng Việt để thi tuyển vào các hệ thì không được hỗ trợ trang cấp cá nhân ban đầu khi vào hệ học chính thức.
- Định mức hỗ trợ:
+ Lưu học sinh hệ đào tạo dài hạn: 5.800.000 đồng/người .
+ Lưu học sinh hệ đào tạo ngắn hạn: 4.650.000 đồng/người .
+ Lưu học sinh khối quốc phòng, an ninh, cơ yếu, được cấp bổ sung chênh lệch quân trang trị giá: 100.000 đồng/người/tháng
- Nguyên tắc chi
Kinh phí hỗ trợ trang cấp ban đầu được cấp qua cơ sở đào tạo để hỗ trợ trực tiếp cho lưu học sinh.
(Điều 6 dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam)
Nguyễn Ngọc Quế Anh