Đề xuất sửa đổi các đối tượng được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
27/10/2023 15:00 PM

Cho tôi hỏi đã có đề xuất sửa đổi quy định về các đối tượng được miễn đăng ký môi trường hay chưa? - Bình Minh (TPHCM)

Đề xuất sửa đổi các đối tượng được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP

Đề xuất sửa đổi các đối tượng được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP (Hình từ Internet)

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định).

Đề xuất sửa đổi các đối tượng được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP

Theo đó, tại khoản 12 Điều 1 dự thảo Nghị định đã đề xuất sửa đổi các đối tượng được miễn đăng ký môi trường tại Điều 32 Nghị định 08/2022/NĐ-CP như sau:

(1) Dự án đầu tư, cơ sở quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường.

(2) Dự án đầu tư quy định tại điểm b khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:

- Phát sinh thường xuyên chất thải nguy hại dưới 20 kg/tháng hoặc dưới 240 kg/năm;

- Phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg/ngày;

- Phát sinh nước thải dưới 05 m3/ngày và phát sinh khí thải dưới 50 m3/giờ được xử lý bằng công trình thiết bị xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương.

(3) Đối tượng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Hiện hành, tại Điều 32 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì các đối tượng được miễn đăng ký môi trường bao gồm:

(1) Dự án đầu tư, cơ sở quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường:

Dự án đầu tư mới trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải xử lý sơ bộ và đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp. Nước thải chuyển giao để xử lý phải có khối lượng và các thông số ô nhiễm không vượt quá tiêu chuẩn nước thải đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung; đáp ứng điều kiện trong văn bản thỏa thuận với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và giấy phép môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó; trừ trường hợp cơ sở đã được miễn trừ đấu nối theo quy định.

(2) Dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg/ngày được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương; hoặc phát sinh nước thải dưới 05 m3/ngày, khí thải dưới 50 m3/giờ được xử lý bằng công trình thiết bị xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương.

(3) Danh mục dự án đầu tư, cơ sở được miễn đăng ký môi trường quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Nguyên tắc bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường

Nguyên tắc bảo vệ môi trường theo Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:

- Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.

- Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.

- Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

- Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.

- Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

- Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,476

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]