Quy định về thu hồi, giữ thẻ căn cước theo dự thảo luật mới (Hình từ internet)
Nội dung đề cập tại Dự thảo Luật Căn cước, dự kiến thay thế Luật Căn cước công dân 2014.
Trong đó, Dự thảo Luật Căn cước quy định việc thu hồi, giữ thẻ căn cước như sau:
(1) Các trường hợp thu hồi thẻ căn cước
Thẻ căn cước bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
- Công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
- Thẻ căn cước cấp sai quy định;
- Sử dụng thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.
(2) Các trường hợp giữ thẻ căn cước
Thẻ căn cước bị giữ trong trường hợp sau đây:
- Người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
(3) Người bị giữ thẻ căn cước quy định tại khoản (2) nêu trên khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được trả lại thẻ căn cước.
Trong thời gian bị giữ thẻ căn cước, cơ quan giữ thẻ căn cước cho phép người bị giữ thẻ căn cước quy định tại khoản (2) sử dụng thẻ căn cước của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan quản lý căn cước thực hiện thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp quy định tại khoản (1) nêu trên.
- Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao có thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao thực hiện thu hồi thẻ căn cước có trách nhiệm giao lại thẻ căn cước đã thu hồi cho cơ quan quản lý căn cước;
- Cơ quan thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành biện pháp tư pháp, cơ quan thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền giữ thẻ căn cước trong trường hợp quy định tại khoản (2) nêu trên.
Chính phủ quy định chi tiết việc sử dụng thẻ căn cước tại khoản (3) nêu trên.
Dự thảo Luật Căn cước nghiêm cấm hành vi cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
Cơ quan quản lý căn cước là cơ quan được Bộ Công an giao thực hiện nhiệm vụ quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Dự thảo Luật Căn cước quy định cơ quan quản lý căn cước có các trách nhiệm sau đây:
- Thu thập, cập nhật, chỉnh sửa kịp thời, chính xác thông tin về người dân.
- Niêm yết công khai và hướng dẫn các thủ tục hành chính về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật này.
- Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu về người dân khi được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Cấp căn cước điện tử; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này.
- Quản lý về định danh và xác thực điện tử.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Xem thêm nội dung tại Dự thảo Luật Căn cước.