Như vậy, trong các kì thi nếu thí sinh mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi thì ngoài việc bị xử lý theo quy chế thi còn bị… phạt tiền.
Cũng theo Nghị định này, đối với vi phạm về quy chế thi có thể bị phạt tối đa lên đến 50 triệu đồng. Cụ thể, phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi làm hộ bài thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài; từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định; từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi; từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với hành vi làm mất bài thi. Phạt từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi làm hộ bí mật hoặc làm mất đề thi.
Phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi. Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi.
Nghị định cũng quy định, giáo viên xúc phạm học sinh bị phạt đến 10 triệu. Xúc phạm nhà giáo cũng bị phạt cùng mức tiền. Cụ thể, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học sẽ bị phạt 5 triệu đến 10 triệu đồng. Giáo viên có hành vi này còn bị đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến nửa năm.
Ngược lại, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm đến thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng bị phạt cùng mức tiền như trên.
Đối với các hành vi phạm quy định về phổ cập giáo dục thì bị phạt tiền từ 200.000 đến 1 triệu đồng. Cụ thể, hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp học phổ cập sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hành vi xúi giục không đi học hoặc xúi giục bỏ học đối với người học các cấp học phổ cập bị phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Nghị định mới này cũng đưa ra những mức xử phạt hành chính cứng rắn đối với hành vi dạy thêm, học thêm sai quy định; lạm thu, lạm chi trong trường học…
Cụ thể, phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi không công khai thu, chi tài chính theo quy định; phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thu các khoản trái quy định. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại.
Đối với dạy thêm, xử phạt từ 6 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép; từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép; phạt từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng…
Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013. Những quy định của các Nghị định trước sẽ hết hiệu lực khi Nghị định mới có hiệu lực.
Nguyễn Hùng
Theo Dân Trí