Khẩn trương xây dựng và triển khai Đề án tổ chức thi tốt nghiệp năm 2024 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 05/12/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 505/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2023, tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
Cụ thể, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung thực hiện trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đưa vào phụ lục Nghị quyết phiên họp, trong đó:
- Khẩn trương xây dựng và triển khai Đề án tổ chức thi tốt nghiệp năm 2024 theo đúng kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tại phiên họp năm 2023 của Hội đồng (Thông báo 483/TB-VPCP ngày 24/11/2023);
Cụ thể, các nội dung về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông được nêu tại Thông báo 483/TB-VPCP ngày 24/11/2023 như sau: + Phương án thi cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, khoa học, hiệu quả, trung thực, đạt mục tiêu cao nhất là đánh giá kết quả giáo dục phổ thông theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; cung cấp đủ dữ liệu tin cậy cho việc tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp. + Hội đồng thảo luận đánh giá về ưu điểm, nhược điểm của từng phương án thi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất; đa số các thành viên Hội đồng có ý kiến phương án thi 4 môn bao gồm 02 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 02 môn được lựa chọn trong các môn học còn lại của lớp 12 là phù hợp với chủ trương, quan điểm nêu tại Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và thực tiễn hiện nay. + Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Hội đồng, khẩn trương hoàn thiện Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 để sớm công bố Phương án thi theo thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động dạy học bảo đảm chất lượng, các địa phương kịp chuẩn bị điều kiện tổ chức thi, tạo sự đồng thuận của Nhân dân và xây dựng Đề án tổ chức thi đồng bộ, bài bản, an toàn, khoa học, hiệu quả, trong đó cần huy động đội ngũ chuyên gia, nhà giáo và ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng ngân hàng đề thi chung phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. + Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lộ trình và các điều kiện, tiêu chí, ngân hàng đề thi chung để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp trung học phổ thông thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng thời điểm như hiện nay; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện. |
- Xây dựng kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 6572/VPCP-KGVX ngày 24/8/2023 về xây dựng và phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.
Xem thêm nội dung khác tại Thông báo 505/TB-VPCP ngày 05/12/2023.