Tiếp thu nhiều ý kiến ĐB
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liên quan đến Điều 6 (Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu), có ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự độc lập về pháp lý, độc lập về tài chính giữa nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu và trong trường hợp Tập đoàn kinh tế Nhà nước, Tổng công ty Nhà nước và các công ty con… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xác định tính độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính trong các trường hợp cụ thể đòi hỏi cần xem xét, đánh giá trên nhiều phương diện, theo các tiêu chí về vốn sở hữu, về nhân sự… Do đó, những nội dung này cần được quy định một cách chi tiết trong văn bản hướng dẫn và trong hồ sơ mời thầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giữ quy định như dự thảo Luật.
Tại quy định về chỉ định thầu (Điều 22), có ý kiến đề nghị chỉ nên áp dụng chỉ định thầu đối với các trường hợp cấp bách cần khắc phục ngay hoặc bí mật quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉnh lý quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 của Luật.
Ngoài ra cũng có một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu theo từng giai đoạn hay đề nghị giữ hạn mức chỉ định thầu như quy định hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu và chỉnh lý tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 theo hướng giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu đề nghị bổ sung quy định về chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân tự đề xuất, đăng ký dự án đầu tư để tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích và thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại khoản 4 Điều 22 của Luật.
Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, có ý kiến đề nghị giữ nội dung Điều 24 của Luật Đấu thầu hiện hành về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tiễn thời gian qua có những trường hợp nếu chỉ áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư sẽ không có lợi cho quốc gia như đối với các dự án dầu khí, dự án nhà máy điện hạt nhân… Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Điều 27 quy định: trong trường hợp đặc biệt, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư lập phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chỉ quy định nguyên tắc mua thuốc của cơ sở y tế
Về mua thuốc, vật tư y tế của các cơ sở y tế (Mục 3, Chương V), theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuốc được sử dụng tại các cơ sở y tế liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân. Mặt khác, việc mua thuốc chữa bệnh tại các cơ sở y tế cần có thời gian thực hiện có độ ổn định và hiệu quả trong thực tế, do đó nếu quy định những nội dung mới quá chi tiết trong Luật mà chưa có tổng kết đánh giá và có tính ổn định thì quá trình thực hiện khó tránh khỏi vướng mắc, thậm chí không triển khai được, hậu quả rất khó lường.
Do vậy, dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc về mua thuốc của các cơ sở y tế, những nội dung cụ thể nên được quy định tại các văn bản hướng dẫn.
Trước đó, trong các phiên thảo luận, nhiều ý kiến ĐB đề nghị quy định lộ trình, số lượng, chủng loại thuốc cần phải đấu thầu để đàm phán giá hoặc đề nghị quy định rõ giá thuốc mua từ nguồn ngân sách Nhà nước sẽ do Bộ Y tế chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, trong vấn đề mua thuốc, tiếp thu ý kiến của ĐB về mua thuốc tập trung, dự án Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc mua thuốc tập trung được tổ chức ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Để bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động đấu thầu thuốc, dự án Luật quy định 3 loại danh mục thuốc: danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá và danh mục thuốc đấu thầu tập trung tương ứng cho 3 loại thuốc.
Liên quan đến Hội đồng tư vấn quốc gia về quản lý thuốc, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thành phần Hội đồng tư vấn quốc gia về quản lý thuốc, có ý kiến lại đề nghị không quy định về Hội đồng này hoặc đề nghị quy định trong Luật về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong đấu thầu thuốc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Đấu thầu chỉ quy định việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Thành phần Hội đồng tư vấn quốc gia về quản lý thuốc được quy định trong Luật Dược và các văn bản có liên quan.
Về trách nhiệm của các bộ, ngành trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế, của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Hoạt động đấu thầu thuốc và vật tư y tế không chỉ liên quan đến Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mà còn gắn với chức năng quản lý Nhà nước của các bộ, ngành mà trong đó, Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm chính. Vì vậy, Luật đã quy định rõ Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành các danh mục thuốc, đồng thời giao Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ, ngành (kể cả Bảo hiểm xã hội Việt Nam) trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế và thiết kế lại nội dung như tại Điều 51 của dự thảo Luật.
Hồ Huệ
Theo HQ Online