“Vấn đề đặt ra trong sự việc này không còn quan trọng án xử Lê Văn Luyện mức chung thân hay tử hình mà qua sự việc này đặt ra cho xã hội, cảnh báo cho mọi gia đình rằng: Tại sao lại để cho con cái họ mắc những sai lầm nghiêm trọng như thế. Cho dù vụ án chưa đưa ra xét xử nhưng đây là bài học rất lớn, rất đắt, bài học cho các gia đình, nhà trường và cho cả xã hội về cách giáo dục con cái họ…”, GS-NGND Nguyễn Lân Dũng chia sẻ với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Luyện lớn lên trong một gia đình không nề nếp
Đánh giá về vụ việc cướp tiệm vàng ở Bắc Giang và hành động giết người dã man vô nhân tính của hung thủ Lê Văn Luyện, GS Nguyễn Lân Dũng đánh giá: Trong sự việc nghiêm trọng này không phải chỉ một mình Luyện phải chịu sự trừng phạt của luật pháp, mà bố Luyện cũng sẽ bị pháp luật xem xét trách nhiệm và xử lý vì đã bao che cho hành động phạm tội nghiêm trọng của Luyện. Rồi cô, chú của Luyện ở trên Lạng Sơn cũng sẽ bị tòa án xử lý…
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng
Ngày xưa các cụ thường nói "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Nhưng thực ra lỗi ở đây là của cả gia đình, trường học và xã hội đã không giáo dục được mọi người sống sao cho có nhân cách, sao cho lương thiện.
GS Nguyễn Lân Dũng còn cho biết thêm: Mỗi chúng ta đều sống trong một xã hội có gia đình, có trường học, có bè bạn, có các tổ chức đoàn thể. Dù trong thôn xóm, trong khu phố cũng không thể tách rời với các sinh hoạt đoàn thể, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội phụ lão, tổ dân phố. Sinh hoạt trong các đoàn thể này sẽ làm thức tỉnh trách nhiệm công dân của mỗi người và làm hạn chế những tiêu cực trong từng thành viên của tập thể.
Ở đây phải khẳng định rằng, Lê Văn Luyện đã không được chăm sóc, dạy dỗ cẩn thận và vì vậy trở nên một con người vô giáo dục. Qua báo chí tôi được biết Luyện đã không được học hành tử tế, bỏ học giữa chừng, trước đó thì Luyện đã có những thành tích bất hảo, đánh đấm đủ thứ, chơi game vô tội vạ dẫn đến nợ nần…
“Như vậy, qua tất cả những chuyện đó có thể thấy trong một gia đình nền nếp, có gia phong tử tế thì không bao giờ có thể có những đứa con hư hỏng như thế. Ở đây gia đình nhà Luyện là một gia đình không có nền nếp, ít quan tâm chăm sóc, giáo dục cho con cái về nhân cách sống.
Việc giúp Luyện chôn cất số vàng ăn cắp chứng minh tư cách của những người thân của Luyện. Nhà trường mà Luyện đã từng theo học cũng đã không thành công trong việc làm cho Luyện trở thành một người có ích cho xã hội…”, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Hành động phạm tội là của kẻ vô nhân tính
GS Nguyễn Lân Dũng còn cho rằng: Sự liều mạng trong hành động giết người không ghê tay để cướp của như thế chỉ có thể được thực hiện từ một con người vô nhân tính vì không được dạy dỗ đến nơi đến chốn.
Đây là bài học lớn cho mọi gia đình, tội ác sẽ không bao giờ thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Không kể từ tội ác lớn hay là nhỏ, cho dù có khi chỉ là một câu nói dối cũng đủ để cho người nói dối phải ăn năn, dằn vặt với lương tâm. Chính bản thân Luyện cũng đã thừa nhận rằng từ hôm gây án, hình ảnh của đứa bé bị sát hại đã ám ảnh Luyện suốt những ngày sau đó và Luyện thấy thà bị tử hình còn sướng hơn phải tiếp tục sống như vậy. Ăn năn thì cũng đã quá muộn mất rồi.
Quãng đời phía trước, trong nhà tù Luyện sẽ không khi nào có được một giấc ngủ yên lành. Thế là hết, phí công nuôi dạy của bố mẹ và các thầy cô giáo của mình.
“Muốn thiết lập lại được trật tự xã hội thì từng gia đình phải chú ý đến phương pháp giáo dục con cái, nhà trường phải có những điều chỉnh về mục tiêu giáo dục - "Dạy làm người", "Dạy biết nghề" đi kèm với "Dạy cho có chữ". Nhà trường phải là nơi dạy cho học sinh về nhân cách sống, dạy người trước dạy chữ, cần phải dạy cho học sinh biết mục đích học để làm gì? Học là để trở thành người có ích cho xã hội.
Học để làm người lương thiện, có nghề nghiệp chính đáng cho bản thân và có ích cho xã hội. Nếu không có lương tâm, không có chữ, không có nghề thì sẽ dễ dàng trở thành kẻ đầu trộm đuôi cướp, và sớm hay muộn không thể thoát khỏi vòng tù tội…”.
GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: Tôi có may mắn làm Trưởng ban phụ huynh khóa đầu tiên ở Trường Thực nghiệm của anh bạn học cũ của tôi- GS-TS Hồ Ngọc Đại. Ở đó các thầy cô dạy học sinh làm người bằng những phương thức rất hay bên cạnh việc truyền đạt kiến thức cho các cháu. Và tôi theo dõi các bạn trẻ này của con trai tôi suốt từ đó đến nay. Không riêng gì danh giá như GS Ngô Bảo Châu, hầu như tất cả các bạn khác đều nên người với không ít những cống hiến đáng kể cho xã hội, và trên hết vẫn là một tình bạn hồn nhiên, trong sáng, những tình thày trò đẹp đẽ không phai mờ qua năm tháng. Như vậy việc dạy chữ và dạy nhân cách sống cho thế hệ trẻ đều là hết sức quan trọng.
Không nên xét đến chuyện ân xá đối với Lê Văn Luyện GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Việc không áp dụng mức án tử hình hoặc chung thân đối với những người chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội là thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước. Và tính nhân đạo đó đã được nhiều nước trên thế giới và cả nhân loại hướng đến. Tuy nhiên trong trường hợp phạm tội một cách dã man như thế này, chúng ta không cần hành động trái với pháp luật, nhưng có thể kiên quyết không áp dụng những chính sách khoan hồng, giảm án… Tôi thiết nghĩ đối với Luyện thì mức án cao nhất là việc sẽ không xét đến chuyện ân xá. |
Theo Cúc Phương (báo điện tử Giáo dục Việt Nam)