05 nhiệm vụ phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
02/03/2024 11:36 AM

Tôi muốn biết các nhiệm vụ phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng theo Quyết định 208/QĐ-TTg cụ thể như thế nào? – Hoài Lan (Đồng Nai)

05 nhiệm vụ phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

05 nhiệm vụ phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 29/02/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia đầu tư, khai thác, quản lý sử dụng và chia sẻ lợi ích, giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, chủ rừng, người dân và toàn xã hội.

05 nhiệm vụ phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

1. Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ

- Hình thành một số vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung; ưu tiên phát triển rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở các vùng trọng điểm như Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất từ khâu chọn, tạo giống, kiểm soát chất lượng nguồn giống; thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm tăng năng suất và chất lượng rừng trồng; gắn các vùng sản xuất nguyên liệu với chế biến hàng hóa tập trung đối với một số sản phẩm thế mạnh; xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa.

- Từng bước tăng tỷ trọng nguồn cung nguyên liệu gỗ hợp pháp từ rừng trồng trong nước cho ngành chế biến gỗ và lâm sản; gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc cấp mã số vùng trồng, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

- Phát triển công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ; tận dụng phế phụ phẩm trong chế biến gỗ để sản xuất các sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu; từng bước hình thành kinh tế tuần hoàn trong ngành sản xuất lâm nghiệp; giảm dần tỷ trọng các sản phẩm chế biến thô như sản xuất dăm gỗ xuất khẩu; khuyến khích sản xuất và sử dụng các sản phẩm từ gỗ từ rừng trồng trong nước.

2. Phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu

- Điều tra, đánh giá, phân vùng bảo tồn, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng; chú trọng nắm vững thông tin về các loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao: vùng phân bố, loài, diện tích, trữ lượng; từ đó đề xuất kế hoạch bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững theo tiềm năng, thế mạnh của từng sản phẩm, từng vùng sinh thái và phát huy tri thức bản địa của cộng đồng, người dân địa phương.

- Nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn, tạo, công bố, lưu hành các giống, loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu, kháng sâu, bệnh hại, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên của từng vùng sinh thái. Xây dựng, hoàn thiện các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống, canh tác, chế biến các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng, đáp ứng tiêu chuẩn nguyên liệu cho sản xuất gắn với phát triển rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng.

- Hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tập trung phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thích hợp với yêu cầu sinh thái của mỗi loài, trong đó ưu tiên một số loài cây hiện có diện tích lớn, giá trị kinh tế cao trên đất lâm nghiệp hoặc dưới tán rừng như: vùng trồng cây quế, hồi, ba kích, trà hoa vàng ở các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; vùng trồng sâm Việt Nam tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên; vùng trồng cây tre, luồng tại các tỉnh vùng Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; vùng trồng song, mây tại khu vực Bắc và Nam Trung Bộ. Cấp mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu đối với diện tích đủ điều kiện để đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

- Phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm hàng hóa thương mại gắn kết với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm ngành nghề thủ công mỹ nghệ gắn với nguyên liệu từ rừng, xây dựng các sản phẩm OCOP về dược liệu, sản phẩm phù hợp với nét đặc trưng về bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp

- Tổng kết, đánh giá, các mô hình phát triển kinh tế nông, lâm, ngư kết hợp như: mô hình vườn rừng, trại rừng; nuôi trồng, phát triển cây dược liệu, cây đa mục đích, chăn nuôi, thủy sản dưới tán rừng,... để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tài liệu hóa, xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật phổ biến và nhân rộng các mô hình thành công, hiệu quả.

- Lựa chọn các loài cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, đa mục đích phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Áp dụng các biện pháp canh tác hiệu quả và quản lý chất lượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản,… kết hợp dưới tán rừng, để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất; sản xuất và thương mại các sản phẩm nông, lâm, thủy sản không gây mất rừng và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng.

- Tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng bền vững, hiệu quả; phát huy trách nhiệm và khuyến khích sự tham gia quản lý rừng và chia sẻ lợi ích của cộng đồng, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

4. Phát triển dịch vụ môi trường rừng

- Phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.

- Nghiên cứu, thể chế hóa các quy định về áp dụng mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng tiệm cận với giá trị thực mà rừng mang lại, phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

- Tăng cường quản lý, hướng dẫn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để đầu tư cho bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng; đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích với cộng đồng người dân địa phương.

5. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí

- Hướng dẫn các chủ rừng xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; đánh giá tác động, có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đối với công tác quản lý rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng và phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu việc thúc đẩy, hỗ trợ các chủ rừng thực hiện phương thức tự tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định.

- Tăng cường hợp tác giữa chủ rừng với cộng đồng địa phương, khuyến khích cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch, quản lý du lịch, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch; bảo tồn, phát huy tri thức bản địa và truyền thống văn hóa, đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng đối với cộng đồng địa phương.

- Phát triển các mô hình du lịch sinh thái gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng đối với đồng bào dân tộc, người dân miền núi và người dân sống trong và gần rừng.

- Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc gắn với giá trị cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng thể hiện được tính kết nối vùng, liên vùng tạo nên các sản phẩm, hoạt động, thương hiệu du lịch gắn với văn hóa truyền thống địa phương, vùng địa lý.

- Phát triển chiến lược quảng bá, tiếp thị, các kênh truyền thông giới thiệu và phản hồi về các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông thôn; sử dụng mạng xã hội và trang thông tin điện tử và tổ chức các sự kiện (hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm ảnh,...) để đưa thông tin đến du khách trong nước và quốc tế.

- Thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển bền vững du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các hệ sinh thái rừng; hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao sinh kế thông qua việc sử dụng lao động địa phương. Trong đó hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có tổ chức hoạt động du lịch tại các khu vực, vùng liền kề hoặc các vùng giáp ranh với các đơn vị tổ chức các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các hệ sinh thái rừng.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,142

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]