Công an TPHCM kiểm tra, xử lý hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (Hình từ internet)
Ngày 21/3/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM đã ban hành Chỉ thị 08/CT-UBND về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.
Nội dung Chỉ thị nhằm tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia. Đặt ra những nhiệm vụ cho Công an Thành phố như sau:
(1) Phối hợp với Cục thuế thành phố tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng hóa đơn đối với hàng tiêu dùng trên khâu lưu thông, nguồn gốc của hàng hóa dịch vụ mua vào của NNT, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
(2) Chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết để sẵn sàng thực hiện việc kết nối, tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý theo quy định của pháp luật ngay sau khi triển khai HĐĐT khởi tạo từ MTT tại địa phương
(3) Phối hợp với cơ quan thuế để đề xuất các giải pháp nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước, trong đó tập trung vào khu vực kinh tế tự doanh, trọng tâm là lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng ít lấy hóa đơn (ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ tiêu dùng, kinh doanh vàng bạc,…).
(4) Thường xuyên phối hợp với cơ quan thuế để trao đổi thông tin về các đối tượng có hành vi mua, bán, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn nhằm trốn thuế, thu lợi bất chính hoặc gây thất thu cho ngân sách nhà nước để tiến hành kiểm tra, thanh tra thuế hoặc xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật nếu có dấu hiệu tội phạm.
(Điều 5 Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2024)
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, những hành vì sau đây được xem là hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp:
- Hóa đơn, chứng từ giả;
- Hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;
- Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;
- Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;
- Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;
- Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.
Người vi phạm một trong các trường hợp trên có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và buộc hủy hóa đơn đã sử dụng (Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
Trương Quang Vĩnh