Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định như thế nào trong Luật Đất đai 2024? (Hình từ internet)
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến cho đề xuất Luật Đất đai sớm có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2024 trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 252 (quy định về hiệu lực thi hành) Luật Đất đai 2024.
Được biết, Luật Đất đai 2024 đã có những quy định mới tiệm cận hơn với sự phát triển của đất nước hiện nay. Bên cạnh đó, việc thay đổi giúp hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phát huy tiềm năng, sử dụng hiệu quả cao nhất giá trị nguồn lực đất đai.Vì thế, đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng có những quy định thay đổi để giúp cho đối tượng này trong vấn đề sử dụng đất một cách hiệu quả.
Theo quy định tại Luật Đất đai 2024, thì cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.
Đây được xem là điểm mới mà Luật Đất đai mới đã đưa ra khi mà quy định trước đây không cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp làm điều này.
Tại khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013 đã quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Tuy nhiên, Luật Đất đai mới đã không còn quy định như vậy. Tại khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 đã chỉ ra các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất thì cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không thuộc vào đối tượng này.
Thay vào đó tại khoản 7 Điều 45 Luật Đất đai 2024 đã quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật Đất đai 2024.
Hạn mức giao đất đối với đất trồng lúa (đất trồng cây hằng năm) được quy định:
- Không quá 03 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
- Không quá 02 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác
Việc nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức phải đáp ứng điều kiện về thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa bao gồm các nội dung: địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất; kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; vốn đầu tư; thời hạn sử dụng đất; tiến độ sử dụng đất. Và phương án này phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.
Như vậy, Luật Đất đai 2024 đã cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất.
Có thể thấy, quy định mới này sẽ tạo điều kiện, cơ hội cho người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhưng có kinh tế, điều kiện tốt cũng như có kiến thức và có cách thức tổ chức được quyền tiếp cận đất đai và đồng hành cùng người nông dân để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Một phần giúp phát triển cho nền kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế thị trường nói chung.
Nguyễn Hữu Hiệp