Sẽ có 10 chức danh nhà giáo trong các cơ sở giáo dục (Đề xuất)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
14/05/2024 08:01 AM

Tôi muốn hỏi có phải dự kiến sẽ có 10 chức danh nhà giáo trong các cơ sở giáo dục đúng không? – Hữu Hà (Bình Dương)

Sẽ có 10 chức danh nhà giáo trong các cơ sở giáo dục (Đề xuất)

Sẽ có 10 chức danh nhà giáo trong các cơ sở giáo dục (Đề xuất) (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Mới đây, Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ đã công bố dự thảo Luật Nhà giáo (Dự thảo 2) do Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì soạn thảo, trong đó có nội dung về chức danh nhà giáo.

Luật Nhà giáo (Dự thảo 2)

Sẽ có 10 chức danh nhà giáo trong các cơ sở giáo dục (Đề xuất)

Chức danh nhà giáo là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục. Đây cũng là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục xây dựng đề án vị trí việc làm; thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo.

Trong đó, chức danh nhà giáo trong các cơ sở giáo dục bao gồm:

(1) Giáo viên mầm non;

(2) Giáo viên tiểu học;

(3) Giáo viên trung học cơ sở;

(4) Giáo viên trung học phổ thông;

(5) Giáo viên dự bị đại học;

(6) Giáo viên giáo dục thường xuyên;

(7) Giáo viên giáo dục nghề nghiệp;

(8) Giảng viên cao đẳng sư phạm;

(9) Giảng viên giáo dục nghề nghiệp;

(10) Giảng viên đại học.

Mỗi chức danh nhà giáo được phân loại như sau:

- Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp;

- Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp (bao gồm cả giáo sư, phó giáo sư).

Việc bổ nhiệm, xét chuyển chức danh nhà giáo thực hiện như sau:

- Nhà giáo sau khi được tuyển dụng thì bổ nhiệm chức danh nhà giáo theo quy định;

- Nhà giáo được bổ nhiệm chức danh cao hơn liền kề hoặc đặc cách theo các chức danh cao hơn quy định;

- Nhà giáo của cơ sở giáo dục đại học được xét công nhận đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định của Luật Giáo dục 2019 thì được bổ nhiệm đặc cách chức danh giảng viên cao cấp;

- Nhà giáo dừng hoạt động giảng dạy, giáo dục liên tục nhiều hơn 12 tháng, khi quay trở lại giảng dạy, giáo dục thì được bổ nhiệm lại chức danh nhà giáo;

- Nhà giáo khi thay đổi vị trí việc làm giữa các cơ sở giáo dục mà chức danh nhà giáo đang giữ không phù hợp với vị trí việc làm ở cơ sở giáo dục mới thì được xét chuyển chức danh nhà giáo.

(Khoản 5 Điều 5 và Điều 12 Dự thảo Luật Nhà giáo)

Đề xuất 12 quyền dành cho nhà giáo

Cũng tại Dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất 12 quyền dành cho nhà giáo như sau:

(1) Được hoạt động giảng dạy, giáo dục và đánh giá người học theo chuyên môn đào tạo; tham gia đánh giá, khen thưởng, xử lý kỷ luật người học theo quy định; được chủ động phân phối thời lượng và sắp xếp nội dung giáo dục, lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục đảm bảo mục tiêu giáo dục và kế hoạch của cơ sở giáo dục.

(2) Được lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu, học liệu, đồ dùng dạy học, thiết bị, phương tiện giảng dạy và cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục để thực hiện nhiệm vụ được giao đảm bảo mục tiêu giáo dục và kế hoạch của cơ sở giáo dục.

(3) Được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo và bổ nhiệm chức danh nhà giáo theo vị trí việc làm.

(4) Được hưởng lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ và các chế độ khác phù hợp với vị trí việc làm, chức danh nhà giáo.

(5) Được đánh giá công bằng, khách quan; được tôn vinh, khen thưởng tương xứng với thành tích trong hoạt động nghề nghiệp và hoạt động phục vụ cộng đồng.

(6) Được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học của cá nhân; được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

(7) Được tham gia các chương trình trao đổi nhà giáo; hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ cộng đồng tại cơ sở giáo dục hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học và tổ chức liên quan khác.

(8) Được tạo điều kiện để làm việc trong môi trường thuận lợi, an toàn; được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể; được đối xử bình đẳng trong hoạt động nghề nghiệp và thăng tiến nghề nghiệp; được thay đổi đơn vị công tác và vị trí việc làm phù hợp với nguyện vọng của cá nhân và nhu cầu của cơ quan quản lý.

(9) Được tham gia đóng góp ý kiến về chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo; chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu, phương pháp giáo dục; các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của nhà giáo; được tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

(10) Được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định.

(11) Được bảo đảm việc làm và an sinh khi cơ sở giáo dục ngừng hoạt động hoặc có sự thay đổi về tổ chức.

(12) Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.

(Điều 9 Dự thảo Luật Nhà giáo)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 938

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]