Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng các dự án giao thông quan trọng quốc gia năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
17/05/2024 08:19 AM

Tôi muốn biết nhiệm vụ giải phóng mặt bằng các dự án giao thông quan trọng quốc gia năm 2024 là gì? - Minh Tuân (Đồng Nai)

Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng các dự án giao thông quan trọng quốc gia năm 2024

Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng các dự án giao thông quan trọng quốc gia năm 2024 (Hình từ internet)

Ngày 14/5/2024, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo 219/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 11 Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Qua kết luận có thể thấy, thời gian qua ngành Giao thông vận tải đã có những bước phát triển và phát huy tốt trong việc thực hiện các công trình, dự án quan trọng Quốc gia và nhiệm vụ trọng điểm trong thời gian qua. Mặc dù có những khó khăn, vướng mắc nhưng các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp khắc phục, chủ động giải quyết các công việc với tinh thần “chỉ bàn làm không bàn lùi”.

Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng các dự án giao thông quan trọng quốc gia năm 2024

Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng nhất, quyết định đến phần lớn đường “găng” tiến độ của các dự án, công trình, tuy nhiên đây là khâu khó khăn, phức tạp nhất. Mặt bằng được bàn giao sớm sẽ là cơ sở cho việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, do đó các tỉnh, thành phố cần huy động cả hệ thống chính trị (đồng chí Bí thư tỉnh trực tiếp chỉ đạo) phát huy trách nhiệm cao nhất vào thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo đúng các tiến độ đã cam kết nhất, là hoàn thành bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, 02 dự án đường vành đai và 03 dự án cao tốc trục Đông - Tây trong quý II năm 2024 (trong đó lưu ý các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Bắc Ninh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Đắk Lắk).

Các tỉnh Đồng Nai, Kiên Giang tăng cường nhân lực, quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Với các vị trí giải phóng mặt bằng còn chưa nhận được sự đồng thuận, người đứng đầu các cấp chính quyền phải làm việc trực tiếp với người dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận dụng linh hoạt tối đa các chính sách theo quy định của pháp luật để bảo đảm các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân ổn định đời sống, bảo đảm sinh kế cho nhân dân trên nguyên tắc chỗ ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất phải bằng chỗ ở cũ, tăng cường công tác dân vận để nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.

Trường hợp các khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội cần kịp thời báo cáo đề xuất để được giải quyết. Nhất là các vướng mắc liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án, các cơ quan chủ quản cần chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ TNMT để tháo gỡ kịp thời.

Bộ Công thương, EVN chủ động giải quyết các khó khăn để hoàn thành di dời các cột điện cao thế của các dự án quan trọng quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 155/TB-VPCP ngày 10/4/2024, Thông báo 201/TB-VPCP ngày 06/5/2024 của Văn phòng Chính phủ, hoàn thành trong tháng 6 năm 2024.

Bên cạnh đó, Thủ tướng còn yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ về vật liệu xây dựng, triển khai thủ tục đầu tư cho các dự án, thủ tục liên quan đến vốn vay ODA và triển khai thi công các dự án.

* Vật liệu xây dựng,

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cũng như trực tiếp nhiều lần làm việc với các địa phương để tháo gỡ; công tác cấp mỏ tại nhiều dự án đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên nguồn vật liệu đắp nền đường tại khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ vẫn còn chưa được giải quyết dứt điểm, việc sử dụng cát biển triển khai chậm, số lượng hạn chế.

- Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tổ chức làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, các địa phương liên quan để giải quyết dứt điểm về nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) trong tháng 5/2024.

- Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hoàn thiện sửa đổi Nghị định 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ và trình ban hành trong tháng 5/2024.

- Tỉnh Vĩnh Long cử lãnh đạo tỉnh trực tiếp làm việc, đối thoại với người dân để tháo gỡ khó khăn về khai thác mỏ cát trong địa bàn, bảo đảm đủ điều kiện để các nhà thầu khai thác trong tháng 5/2024.

- Các tỉnh trong khu vực cần đặt mục tiêu, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, san sẻ, hỗ trợ các địa phương, các chủ đầu tư về nguồn cát đắp cho các dự án trọng điểm quốc gia.

* Triển khai thủ tục đầu tư cho các dự án

- Bộ KHĐT rà soát, phối hợp với các địa phương để bảo đảm việc phân bổ vốn, điều hòa vốn cho các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải; đẩy nhanh các thủ tục đầu tư liên quan đến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Ninh Bình - Hải Phòng, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc.

- Tỉnh Hòa Bình đẩy nhanh lập thiết kế kỹ thuật, dự toán để sớm khởi công dự án Hòa Bình - Mộc Châu; chuẩn bị thủ tục triển khai đầu tư cao tốc Hà Nội - Hòa Bình.

- Thành phố Hà Nội đẩy nhanh việc lựa chọn nhà đầu tư để khởi công dự án thành phần 3 thuộc Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.

* Thủ tục liên quan đến vốn vay ODA

Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư để khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan đến các khoản vay ODA cho các dự án đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Mỹ An - Cao Lãnh; trong đó cần chủ động đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn nước ngoài.

* Triển khai thi công các dự án

- Các cơ quan chủ quản chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thi công xây dựng lại tiến độ để bảo đảm hoàn thành các dự án đúng kế hoạch; phấn đấu vượt tiến độ đề ra từ 3 đến 6 tháng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi công bảo đảm chất lượng, an toàn lao động, kỹ - mỹ thuật, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến dân sinh, nhanh chóng hoàn trả các đường công vụ phục vụ thi công. Các nhà thầu tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cần bám sát công trường để kịp thời điều chỉnh các phát sinh, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Các chủ đầu tư rà soát các thủ tục bảo đảm chặt chẽ đúng quy định pháp luật, kịp thời khắc phục các thiếu sót tránh tích lũy dẫn đến sai phạm.

- Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động giải quyết các công việc theo chức năng nhiệm vụ, hạn chế các thủ tục hành chính; thành lập các tổ công tác để trực tiếp làm việc với các địa phương để giải quyết các khó khăn về vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng...

- Các nhà thầu thực hiện đúng cam kết về tiến độ, chất lượng, kỹ mỹ thuật, an toàn, bảo vệ môi trường, hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, thống nhất đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh về bổ sung dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và mở rộng dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành vào danh mục dự án Ban Chỉ đạo; bổ sung Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Bến Tre, Trà Vinh vào ủy viên Ban Chỉ đạo để chỉ đạo các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn, vật liệu đắp cho khu vực Tây Nam Bộ.

Xem thêm nội dung tại Thông báo 219/TB-VPCP.

Nguyễn Hữu Hiệp

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,433

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]