Tuy nhiên, thực chất người tung những đoạn video clip này lên mạng có dụng ý gì cần phải được cơ quan điều tra xác minh, làm rõ.
Thận trọng trước “biển” clip
Mới đây, ngày 13-9, trên Báo điện tử VTC News đăng tải một đoạn video clip của độc giả gửi tới với hình ảnh một người mặc quân phục CSGT xô đẩy, khống chế người đàn ông, rồi bẻ quặt tay người đàn ông này khi ông ta đang cố vùng vẫy. Ngay sau khi đoạn video này được tung lên mạng, đã thu hút sự quan tâm của dư luận kèm theo những lời bình luận không mấy thiện cảm về lực lượng CSGT.
Theo VTC News thì bạn đọc gửi đoạn videp clip này, vào 14h45 ngày 4-9-2011, được quay tại khu vực lề phía tây QL 1A, tại Km 1876+500 khi hai CSGT đang xử phạt hành vi lấn tuyến. Qua những hình ảnh kéo dài 1 phút 15 giây, có thể thấy hai bên đã lời qua tiếng lại trước đó. Đoạn clip trên không được quay từ đầu đến cuối sự việc mà chỉ một đoạn trong chuỗi sự việc đã diễn ra. Người đàn ông mặc áo sơ mi trắng, quần trắng, đội mũ bảo hiểm xanh đã văng tục, chửi thề, rồi xô đẩy, đánh vào ngực người CSGT từ trước. Sau đó, có lẽ do quá tức giận với hành vi này, người CSGT trẻ tuổi hơn đã đẩy mạnh người thanh niên ngã lên yên một chiếc xe máy. Sau đó, viên CSGT trẻ tuổi còn tiếp tục đẩy người thanh niên xuống đất, khống chế, khóa và bẻ tay người đàn ông. Dù rất cố gắng vùng vẫy nhưng người đàn ông vẫn không thể thoát khỏi sự khống chế của CSGT. Vụ việc xảy ra có sự chứng kiến của khá đông người dân, tuy nhiên họ chỉ đứng nhìn mà không có bất cứ sự can thiệp nào.
Trước đó, trên trang báo điện tử VnExpress cũng có đăng bài Cảnh sát 113 nhận hối lộ, kèm video tố cáo một Cảnh sát giao thông nhận tiền trên phố Lạc Trung, Hà Nội. Phải nói rằng cả hai sự việc trên đều có liên quan đến lực lượng CSGT nên đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Không ít lời bình luận thiếu thiện cảm, thậm chí những lời lẽ thoá mạ, miệt thị đã dành cho lực lượng CSGT. Song, bên cạnh đó không ít bạn đọc cũng biểu lộ sự thông cảm rất con người. Đơn cử, bạn đọc có tên: jackduong đưa ra lời bình luận: “Ai có thể khẳng định đoạn clip này là thật. Thiếu gì người không có việc gì làm tự dựng cảnh, tự làm đạo diễn, tìm diễn viên rồi đưa lên mạng để cho cư dân bình luận cho vui.
Thời buổi công nghệ thông tin làm những đoạn video clip kiểu như thế chẳng có gì khó. Dù sao thì thiếu uý CSGT trong clip này còn may là khống chế được người đàn ông (hình như bị say rượu), chứ không như chiến sĩ cảnh sát cơ động trong clip tháng trước còn bị chiếc taxi kéo lê lên nóc ca pô thấy mà tội cho những người làm công việc giữ trật tự đường phố…”. Còn nick name có tên nguoihung lại bình luận: “ Nhiều tấm gương anh dũng hy sinh của CSGT khi đang làm nhiệm vụ cũng khiến nhiều người xúc động lắm chứ. Tôi đảm bảo nếu không có CSGT thì đường phố của chúng ta chẳng khác nào cái chợ vì mọi người vẫn chưa có ý thức chấp hành pháp luật”.
Video clip chưa phải là chứng cứ
Trước sự việc trên, không ít cộng đồng mạng cho rằng phải truy cứu trách nhiệm hình sự của những chiến sĩ CSGT để lập lại kỷ cương pháp luật. Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B nhận xét: “Những yếu tố đặc trưng của các loại tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự và chỉ khi nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi vi phạm pháp luật mới được coi là hành vi phạm tội.
Theo đó, tội phạm bao gồm 4 yếu tố cấu thành: khách thể (quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại); khách quan (hành vi biểu hiện ra bên ngoài, hậu quả của tội phạm, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội); chủ quan (biểu hiện tâm lý bên trong của tội phạm phản ánh qua động cơ, mục đích của tội phạm); chủ thể (người phạm tội có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, theo độ tuổi mà Luật Hình sự quy định cũng như tình trạng tâm thần của người phạm tội).
Do vậy, hành vi nhận tiền, hay đánh người của CSGT được một số người ghi lại trong những đoạn video clip chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định. Cần phải xác định video được quay từ hiện trường sự việc có thật hay không, người quay là ai, và những đoạn video này có phản ánh đầy đủ các tình tiết trong sự việc hay chỉ một phần, trong chuỗi các sự việc. Việc quy chụp khi chưa đủ chứng cứ là vi phạm pháp luật.
Hơn nữa, để giải quyết vụ án hình sự cần phải khẳng định được rằng tội phạm đã thực hiện, xác định được người cụ thể đã thực hiện tội phạm đó và người đó phải chịu trách nhiệm về hành vi do họ đã thực hiện. Để đạt được điều đó, CQĐT, VKS, Toà án phải dựa vào chứng cứ. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 64, Bộ luật TTHS thì: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”.
Chứng cứ là những gì có thật, tức là những gì tồn tại trong hiện thực khách quan - đó là tính khách quan của chứng cứ. Những gì không tồn tại trong hiện thực khách quan không được coi là chứng cứ. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định - đó là tính hợp pháp của chứng cứ. Những gì có thật được các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án nghiên cứu và xác định các sự kiện, tình tiết của vụ án để đi đến kết luận về tính chứng minh được tội phạm và tính có lỗi của bị can, bị cáo cần phải phù hợp với trình tự, thủ tục và phải được ghi nhận và diễn đạt theo những hình thức do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định.
Chứng cứ là thông tin về vụ án được xác định bằng những nguồn nhất định - đó là nguồn chứng cứ. Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, nguồn của chứng cứ giống như một cái vỏ bọc chứng cứ bên trong nó. Chứng cứ phải được và chỉ được thu thập từ các nguồn và thỏa mãn các điều kiện như sau: các tài liệu đọc được nội dung. Phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực. Các tài liệu nghe được, được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
Theo Ngọc Bảo - Huệ Linh (ANTĐ)