Giải đáp vướng mắc tại Thông tư 139/2013/TT-BTC

03/03/2014 09:19 AM

Một số trường hợp đặc thù gặp vướng mắc khi thực hiện Thông tư 139/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính (quy định về thủ tục hải quan đối với xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế xăng dầu; nguyên liệu NK để gia công sản xuất xăng dầu) đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể.


Công chức Hải quan Thừa Thiên- Huế kiểm tra xăng dầu NK. Ảnh: M.HÙNG

Cục Hải quan Hải Phòng phản ánh, Thông tư quy định rõ đối với xăng dầu được bơm vào bồn, bể rỗng; bồn bể đang chứa xăng dầu cùng chủng loại, chế độ giám sát khác nhau. Tuy nhiên Thông tư không hướng dẫn DN cách khai báo làm cơ sở để cơ quan Hải quan tiến hành thủ tục. Do đó, theo đề xuất của Hải quan Hải Phòng, nên bổ sung thêm nội dung: “Khi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập, người khai hải quan phải khai cụ thể hàng sẽ được bơm vào bồn, bể rỗng hoặc bơm vào bồn bể với xăng dầu cùng chủng loại trên ô ghi chép khác của tờ khai nhập khẩu”.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã giải đáp: Khi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập, yêu cầu người khai hải quan khai cụ thể xăng dầu sẽ được bơm vào bồn, bể rỗng hoặc bơm vào bồn bể với xăng dầu cùng chủng loại trên ô ghi chép khác của tờ khai nhập khẩu.

Liên quan đến việc giám sát hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng phản ánh, do đặc thù các kho chứa xăng dầu được lưu trữ tại các khu vực không có cơ quan Hải quan giám sát, vậy việc bơm xăng dầu, nguyên liệu từ phương tiện vận chuyển vào bồn bể rỗng có phải giám sát hải quan trước khi tiến hành niêm phong hay không, cơ quan xác định bồn bể rỗng và xác định đang chứa xăng dầu cùng chủng loại, bồn bể của các kho chứa được thiết kế nhiều đường ống liên hoàn giữa các bồn bể như thế nào?

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, việc xác định bồn bể rỗng, bồn bể của các kho chứa được thiết kế nhiều đường ống dẫn liên hoàn do thương nhân tự khai báo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo. Căn cứ quy định tại khoản a.2, Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC, chi cục hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập thực hiện niêm phong kho sau khi thương nhân hoàn thành việc bơm xăng dầu vào kho theo quy định.

Tương tự, Cục Hải quan Đồng Nai cũng gặp phải vướng mắc khi thực hiện điểm a.2, khoản 1, Điều 3, Thông tư 139. Theo quy định tại điểm a.2, khoản 1, Điều 3 công chức hải quan phải niêm phong bồn, bể sau khi thương nhân bơm xăng dầu, nguyên liệu từ phương tiện vận chuyển vào bồn, bể rỗng. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 3, đối với lô hàng thuộc diện kiểm tra thực tế công chức phải niêm phong bồn bể cho đến khi xác định được lô hàng đáp ứng đủ các điều kiện thông quan theo quy định sẽ mở niêm phong hải quan cho phép thương nhân đưa hàng hóa vào sử dụng. Vì thế, câu hỏi đặt ra là việc niêm phong hải quan bồn, bể theo quy định tại điểm a.2, khoản 1 Điều 3 có áp dụng đối với lô hàng thuộc diện miễn kiểm tra thực tế hay không và thời điểm được phép mở niêm phong hải quan là khi nào (nếu có)?

Trả lời vướng mắc trên, theo Tổng cục Hải quan, cơ quan Hải quan chỉ thực hiện niêm phong trường hợp xăng dầu bơm từ phương tiện vận chuyển vào bồn, bể rỗng (Thông tư số 139/2013/TT-BTC không quy định việc niêm phong hải quan đối với trường hợp kiểm tra thực tế hay miễn kiểm tra thực tế). Xăng dầu là hàng hóa đặc thù, phải kiểm tra nhà nước về chất lượng. Do vậy nếu lô hàng miễn kiểm tra thực tế việc thông quan hàng hóa vẫn phải tuân thủ quy định về kiểm tra chất lượng và chính sách thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu đặt câu hỏi: Xăng dầu tái xuất cho tàu biển có bắt buộc phải từ nguồn tạm nhập hay có thể sử dụng nguồn xăng dầu nội địa để cung ứng cho tàu khi chạy chặng nội địa (theo bản định mức) hay không? Trả lời vướng mắc trên, theo Tổng cục Hải quan, quy định của pháp luật không cấm tàu biển mua xăng dầu từ nội địa (không phải là xăng dầu tạm nhập).

Trường hợp mua xăng dầu từ nguồn tạm nhập thì thương nhân phải mở tờ khai tái xuất cho lượng xăng dầu chạy chặng quốc tế, đối với lượng xăng dầu sử dụng chặng nội địa thì thực hiện mở tờ khai nhập kinh doanh theo quy định tại Thông tư số 139/2013/TT-BTC và hướng dẫn tại điểm 3.9 dẫn trên.

Trường hợp xăng dầu nội địa cung ứng cho tàu chạy chặng nội địa thì không phải làm thủ tục hải quan và thu thuế theo quy định.

Phản ánh về vướng mắc khi xác định khối lượng xăng dầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, Cục Hải quan TP.HCM đặt câu hỏi: Việc xác định khối lượng xăng dầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất căn cứ theo Thông báo kết quả giám định về khối lượng hay căn cứ trên cơ sở giá trị thực thanh toán cho lô hàng xăng dầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất và thuế suất từng mặt hàng. Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, việc xác định khối lượng xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập căn cứ vào Thông báo kết quả giám định về khối lượng của thương nhân giám định. Trường hợp giữa kết quả giám định và khối lượng thanh toán có chênh lệch cần có xác minh, giải trình để xem xét cụ thể.  

Ngọc Linh

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,981

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]