Đề xuất bổ sung tiêu chuẩn Luật sư phải có bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Mới đây, Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi).
Tài liệu họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi) |
Theo đó, tại đề cương chi tiết Luật Luật sư (sửa đổi) có đề xuất bổ sung tiêu chuẩn của luật sư có “bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp” và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn luật sư.
Đồng thời tại Tờ trình 44/TTr-BTP về đề nghị xây dựng Luật Luật sư thay thế Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) nêu lên mục tiêu, nội dung của chính sách xây dựng đội ngũ luật sư có đạo đức, bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp và năng lực chuyên môn như sau:
(1) Mục tiêu chính sách
Xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; chú trọng nâng cao tiêu chuẩn chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của luật sư; nghiên cứu việc tổ chức kỳ thi quốc gia để cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
(2) Nội dung chính sách
- Bổ sung tiêu chuẩn có “bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp” và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn “Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, có bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt”.
- Quy định người muốn tập sự hành nghề luật sư sẽ đăng ký gia nhập một Đoàn Luật sư với tư cách luật sư tập sự. Luật sư tập sự là thành viên không đầy đủ của các Đoàn Luật sư. Đoàn Luật sư có trách nhiệm giám sát, quản lý luật sư tập sự đến khi họ thi đỗ kỳ thi quốc gia để trở thành luật sư. Đồng thời, sửa đổi các quyền và nghĩa vụ của luật sư tập sự để bảo đảm cho luật sư tập sự có nhiều cơ hội thực hành nghề hơn trong thực tế.
- Người muốn trở thành luật sư phải qua khóa đào tạo nghề ngắn hạn, không được miễn đào tạo nghề như quy định của Luật hiện hành; bổ sung hoặc giảm bớt một số đối tượng được giảm thời gian đào tạo hoặc thời gian tập sự hành nghề luật sư phù hợp với thực tế; quy định về kỳ thi luật sư quốc gia để cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo hướng thành lập Hội đồng thi luật sư quốc gia với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng và tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư và người thi đỗ kỳ thi quốc gia thì sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, nội dung của kỳ thi quốc gia bao gồm đánh giá toàn diện về nhận thức chính trị đối với nghề luật sư, kỹ năng hành nghề và sự hiểu biết về đạo đức nghề nghiệp luật sư.
- Bổ sung nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc đối với luật sư về trách nhiệm nghề nghiệp và cập nhật chủ trương, chính sách mới có liên quan đến nghề luật sư.
(3) Giải pháp thực hiện chính sách và lý do lựa chọn giải pháp
Quy định chặt chẽ, phù hợp hơn về tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành luật sư, trong đó chú trọng đến tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng luật sư.
Lý do lựa chọn giải pháp này vì:
- Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng đối với hoạt động luật sư.
- Quy định cụ thể tiêu chuẩn bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của luật sư, người muốn trở thành luật sư để đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất khi xem xét, cấp, thu hồi, gia hạn Chứng chỉ hành nghề luật sư.
- Việc quy định về chế định luật sư tập sự và quy định chặt chẽ, phù hợp hơn về điều kiện miễn đào tạo nghề, miễn giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư để bảo đảm, nâng cao chất lượng luật sư, tăng cường trách nhiệm tự quản, vai trò quản lý của các Đoàn Luật sư.
- Thể chế quy định tại Kết luận 69-KL/TW về việc tổ chức kỳ thi quốc gia để cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, đồng thời góp phần đảm bảo tương đồng với cách thức lựa chọn, bổ nhiệm các chức danh tư pháp khác (thẩm phán, kiểm sát viên ..), thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo hướng khi đạt yêu cầu kỳ thi sẽ được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư thay vì cấp Giấy chứng nhận đạt kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Quy định này giúp sàng lọc đầu vào của luật sư phải là người có bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp, có đạo đức tốt và có ý thức tuân thủ Hiến pháp, pháp luật.
Hiện hành tại Điều 10 Luật Luật sư 2006 quy định về tiêu chuẩn luật sư như sau: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư. |