Cụ thể, tờ trình do Tòa án NDTC trình bày chiều nay (13/3) đề xuất: Người dự tuyển kỳ thi tuyển chọn thẩm phán quốc gia có thể là công chức, viên chức tòa án hoặc tham gia công tác pháp luật ngoài tòa án như luật sư, luật gia, hoặc là cử nhân luật đang công tác, học tập ở các cơ quan, tổ chức khác.
Người trúng tuyển sẽ được Chánh án Tòa án NDTC bổ nhiệm làm trợ lý thẩm phán. Sau đó tùy thuộc vào phẩm chất đạo đức cũng như kinh nghiệm công tác dưới sự kèm cặp của các thẩm phán, họ sẽ được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán chính thức.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Chỉ Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm thẩm phán các tòa án. Ảnh: VietNamNet
Cơ quan thẩm tra là UB Tư pháp QH tán thành và cho rằng dự thảo luật cần quy định cơ chế để thực hiện “mở rộng nguồn để bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp, không chỉ là cán bộ trong các cơ quan tư pháp mà còn là luật gia, luật sư; nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp”.
Đề xuất sửa luật, Tòa án NDTC cũng đưa ra khái niệm “thẩm phán ngoài ngạch”.
Cơ quan này cho rằng quy định hiện hành về các chức danh thẩm phán (gồm thẩm phán Tòa án NDTC, thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp) đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong việc phân công thẩm phán làm nhiệm vụ xét xử, cũng như việc bố trí thẩm phán ở các vị trí công việc khác theo nhu cầu công tác của từng cấp tòa án.
Việc có nhiều chức danh thẩm phán khác nhau cũng gây khó khăn trong xây dựng chế độ, chính sách. Việc định ra chức danh sơ cấp, trung cấp còn ít nhiều tạo ra sự hiểu sai về trình độ, năng lực của thẩm phán, làm giảm lòng tin và sự tín nhiệm của người dân đối với các thẩm phán.
Từ đó, trong cơ quan soạn thảo có ý kiến chỉ quy định 2 chức danh là thẩm phán Tòa án NDTC và thẩm phán làm công tác xét xử tại các tòa án khác, hoặc làm công tác nghiên cứu về chuyên môn, nghiệp vụ xét xử ở Tòa án NDTC.
Có ý kiến khác cho rằng nên có 3 chức danh gồm thẩm phán Tòa án NDTC, thẩm phán chính ngạch (được Chủ tịch nước bổ nhiệm) và thẩm phán ngoài ngạch (không phải công chức tòa án nhưng được Chánh án Tòa án NDTC bổ nhiệm để tham gia giải quyết một số loại vụ việc về sở hữu trí tuệ, thương mại quốc tế, môi trường, đất đai, tài chính, công nghệ thông tin…).
Tờ trình cho rằng “chế định thẩm phán ngoài ngạch sẽ góp phần huy động trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia về một số lĩnh vực đòi hỏi phải có trình độ, hiểu biết cao”, nhưng đa số ý kiến trong UB Tư pháp không tán thành chế định này.
“Vì thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án, theo quy định thì chỉ Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm thẩm phán các tòa án”, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.
Đa số ý kiến trong ủy ban này tán thành chia theo 4 ngạch là thẩm phán Tòa án NDTC, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp.
Chung Hoàng
Theo VietNamNet