Quy định về Đại hội thành viên của quỹ tín dụng nhân dân (Hình từ internet)
Ngày 28/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 29/2024/TT-NHNN quy định về quỹ tín dụng nhân dân
- Hội đồng quản trị triệu tập Đại hội thành viên thường niên trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
- Đại hội thành viên có thể tổ chức dưới hình thức Đại hội toàn thể thành viên hoặc Đại hội đại biểu thành viên (gọi chung là Đại hội thành viên). Đại hội toàn thể thành viên hoặc Đại hội đại biểu thành viên có nhiệm vụ và quyền hạn như nhau.
- Số lượng đại biểu tham dự Đại hội đại biểu thành viên do Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân quy định nhưng không ít hơn 100 đại biểu.
- Tiêu chuẩn đại biểu và trình tự, bầu đại biểu tham dự Đại hội đại biểu thành viên do Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân quy định. Việc bầu đại biểu thành viên tham dự Đại hội thành viên phải dựa trên nguyên tắc dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên. Đại biểu thành viên được bầu không được ủy quyền cho người khác tham dự Đại hội. Đại biểu tham dự đại hội đại biểu phải thể hiện được ý kiến, nguyện vọng và có trách nhiệm thông tin về kết quả đại hội cho tất cả thành viên mà mình đại diện.
- Đại hội thành viên bất thường được triệu tập trong trường hợp sau đây:
+ Hội đồng quản trị triệu tập để giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền;
+ Hội đồng quản trị triệu tập theo đề nghị của Ban kiểm soát hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên của quỹ tín dụng nhân dân;
+ Hội đồng quản trị triệu tập theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trong trường hợp xảy ra sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân;
+ Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập trong trường hợp không tổ chức được cuộc họp định kỳ của Hội đồng quản trị sau 02 lần triệu tập liên tiếp;
+ Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân. Quỹ tín dụng nhân dân phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh về lý do, nội dung, thời gian, hình thức tổ chức Đại hội thành viên bất thường trong thời hạn tối thiểu 10 ngày trước ngày dự kiến tổ chức.
- Việc triệu tập Đại hội thành viên bất thường đối với trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 5 Điều 14 Thông tư 29/2024/TT-NHNN này được thực hiện như sau:
+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Ban kiểm soát hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên của quỹ tín dụng nhân dân hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Hội đồng quản trị phải triệu tập Đại hội thành viên bất thường;
+ Trường hợp quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Ban kiểm soát hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên của quỹ tín dụng nhân dân hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh mà Hội đồng quản trị không triệu tập Đại hội thành viên bất thường hoặc quá 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính mà Hội đồng quản trị không triệu tập Đại hội thành viên thường niên thì Ban kiểm soát có quyền triệu tập Đại hội thành viên bất thường;
+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Ban kiểm soát có quyền triệu tập mà không triệu tập Đại hội thành viên bất thường theo quy định tại điểm b khoản này thì thành viên đại diện cho ít nhất một phần ba tổng số thành viên của quỹ tín dụng nhân dân có quyền triệu tập Đại hội thành viên. Việc cử thành viên đại diện phải được lập thành biên bản và có đầy đủ chữ ký của tất cả thành viên đề nghị triệu tập Đại hội thành viên.
- Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập Đại hội thành viên theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 6 Điều 14 Thông tư 29/2024/TT-NHNN thì Hội đồng quản trị phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của pháp luật và Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.
Trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập Đại hội thành viên theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 14 Thông tư 29/2024/TT-NHNN thì Ban kiểm soát phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của pháp luật và Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.
- Đại hội thành viên do người triệu tập chủ trì, trừ trường hợp Đại hội thành viên quyết định bầu thành viên khác chủ trì.
- Đại hội thành viên được tiến hành khi có ít nhất 75% tổng số thành viên hoặc đại biểu thành viên được triệu tập tham dự nhưng không ít hơn 100 đại biểu (đối với Đại hội đại biểu); trường hợp không đủ số lượng thành viên thì phải hoãn tổ chức Đại hội thành viên.
Trường hợp Đại hội thành viên lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định tổ chức lần thứ nhất. Trong trường hợp này, trước khi tiến hành, người triệu tập có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh báo cáo nguyên nhân không thể tổ chức Đại hội thành viên lần thứ nhất và dự kiến thời gian tổ chức Đại hội thành viên lần thứ hai. Đại hội thành viên lần thứ hai được tiến hành khi có ít nhất 50% tổng số thành viên hoặc đại biểu thành viên được triệu tập tham dự.
Trường hợp Đại hội thành viên lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành thì triệu tập lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày dự định tổ chức lần thứ hai. Trong trường hợp này, trước khi tiến hành, người triệu tập có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh báo cáo nguyên nhân không thể tổ chức Đại hội thành viên lần thứ hai và dự kiến thời gian tổ chức Đại hội thành viên lần thứ ba. Đại hội thành viên lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào số thành viên tham dự hoặc đại biểu thành viên tham dự.
- Cuộc họp Đại hội thành viên có thể được tổ chức bằng hình thức họp trực tiếp, họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa hợp trực tiếp và họp trực tuyến. Việc lựa chọn hình thức tổ chức họp Đại hội thành viên được thực hiện theo quy định tại Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.
- Cuộc họp Đại hội thành viên phải được ghi biên bản, có thể ghi âm, ghi hình để cung cấp cho các thành viên nếu có yêu cầu. Biên bản họp phải có chữ ký của chủ tọa và thư ký. Trường hợp chủ tọa, thư ký từ chối ký thì biên bản họp có hiệu lực nếu được trên 50% thành viên tham dự đồng ý thông qua nội dung biên bản; biên bản ghi rõ việc chủ tọa, thư ký từ chối thông qua nội dung biên bản. Người ký tên trong biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của biên bản họp.
(Điều 14 Thông tư 29/2024/TT-NHNN)
- Người triệu tập Đại hội thành viên phải lập danh sách thành viên, đại biểu có quyền dự họp; chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu và dự thảo nghị quyết; thông báo triệu tập gửi đến từng thành viên ít nhất 07 ngày trước ngày Đại hội thành viên thường niên khai mạc hoặc 05 ngày trước ngày Đại hội thành viên bất thường khai mạc. Nội dung thông báo triệu tập phải xác định rõ thời gian, địa điểm, hình thức và chương trình hợp. Thông báo triệu tập được gửi bằng bản giấy, bản điện tử hoặc phương thức khác do Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân quy định.
- Nội dung chương trình đại hội có thể thay đổi khi có ít nhất một phần ba tổng số thành viên kiến nghị bằng văn bản điều chỉnh về cùng một nội dung. Kiến nghị phải ghi rõ tên thành viên và nội dung kiến nghị.
Nội dung kiến nghị phải gửi cho người triệu tập Đại hội thành viên ít nhất 03 ngày trước ngày tổ chức Đại hội thành viên.
Đối với Đại hội thành viên bất thường, trường hợp có kiến nghị về nội dung, người triệu tập sẽ xem xét bổ sung vào chương trình Đại hội thành viên bất thường hoặc đưa vào chương trình Đại hội thành viên bất thường tiếp theo.
- Người triệu tập Đại hội thành viên chỉ có quyền từ chối kiến nghị quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 29/2024/TT-NHNN nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Kiến nghị được gửi đến không đúng thời hạn;
+ Nội dung kiến nghị không thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội thành viên;
+ Trường hợp khác theo quy định của Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.
- Trường hợp từ chối kiến nghị, người triệu tập phải báo cáo Đại hội thành viên trước khi biểu quyết thông qua chương trình Đại hội thành viên.
(Điều 15 Thông tư 29/2024/TT-NHNN)
- Thành viên, đại biểu được xác định là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên trong trường hợp sau đây:
+ Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;
+ Tham dự và biểu quyết bằng hình thức trực tuyến.
- Các nội dung sau đây được Đại hội thành viên thông qua khi có ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết tán thành của thành viên, đại biểu tham dự:
+ Sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân;
+ Thông qua việc đầu tư, mua, bán tài sản cố định của quỹ tín dụng nhân dân mà mức đầu tư, giá mua dự kiến hoặc nguyên giá trong trường hợp bán tài sản cố định có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của quỹ tín dụng nhân dân được ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc báo cáo tài chính gần nhất trong trường hợp quỹ tín dụng nhân dân không phải kiểm toán hoặc tỷ lệ thấp hơn theo quy định của Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân;
+ Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý của quỹ tín dụng nhân dân;
+ Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể tự nguyện.
- Các nội dung không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 29/2024/TT-NHNN được thông qua khi có trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành của thành viên, đại biểu tham dự.
- Mỗi thành viên tham dự đại hội toàn thể có một phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào phần vốn góp hay chức vụ của thành viên.
Mỗi đại biểu tham dự đại hội đại biểu có số phiếu biểu quyết bằng số lượng thành viên đã bầu đại biểu đó tham dự đại hội đại biểu.
- Phiếu biểu quyết và biên bản kiểm phiếu tại Đại hội thành viên phải được lưu trữ.
(Điều 16 Thông tư 29/2024/TT-NHNN)
Lê Nguyễn Anh Hào