Mỗi nơi mỗi kiểu
Chị Lê Thị Thùy Trang (Q.1, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, sử dụng thẻ ATM rút 500.000 đồng tiền mặt, trong đó có một tờ 100.000 đồng bị rách góc. Khi tìm đến quầy giao dịch của ngân hàng phát hành thẻ, trình lịch sử giao dịch và số hiệu máy ATM để đổi lại tờ tiền rách, ngân hàng thu phí 10.000 đồng. “Đổi tiền đủ chuẩn để chi tiêu mất phí đến 10% thì thiệt thòi cho người sử dụng các dịch vụ ngân hàng quá, nhưng cũng không thể khác được nếu không muốn bỏ tờ tiền rách kia đi”, chị Trang tâm sự.
Thực tế cho thấy, thời gian qua khi đổi tiền cũ nát, khách hàng thường thuận theo khoản phí của một số TCTD. Thế nhưng gần đây, các vụ hỏa hoạn, cháy chợ, nhiều chủ sạp hàng tại các chợ phải đổi số lượng lớn tiền bị biến dạng thì mức phí bỏ ra đổi tiền đủ tiêu chuẩn lại là vấn đề lớn. Cụ thể, tổng số tiền không đủ chuẩn lưu thông đem đổi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2013 chiếm 2,8% tổng doanh số nộp tiền mặt của các TCTD trên địa bàn. Tỷ lệ này tăng 60% so với năm 2012, cho thấy mức phí các TCTD đã thu của người đổi tiền cũ nát là không nhỏ.
Đại diện NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, sở dĩ vẫn còn tình trạng TCTD thu phí đổi tiền cũ nát của khách hàng là do các quy định hiện hành không nêu cụ thể có thu phí hay không thu phí, nên mỗi ngân hàng làm mỗi kiểu. Theo đó, có TCTD thu phí 4% trên tổng giá trị tiền cũ nát, có ngân hàng thì giảm phí cho những tổ chức có quan hệ thân thiết và đã sử dụng nhiều dịch vụ của ngân hàng.
Điều đáng nói ở đây là nhiều tiểu thương trong các chợ truyền thống không nắm rõ quy định về đổi tiền cũ nát ở đâu nên đã lãng phí số tiền nắm giữ dưới nhiều hình thức. Số ít biết được quy định có thể đổi tiền cũ thì lại ngại gõ cửa ngân hàng vì sợ phí đổi cao ngang bằng với mệnh giá tờ tiền hư hỏng nên đã tìm đến những dịch vụ đổi tiền chợ đen với mức phí cố định 5-8% trên mệnh giá. Cùng đó, do nắm rõ những quy định đổi tiền không đủ chuẩn lưu thông, các “đầu nậu” đổi tiền cũ nát ở các chợ tại TP. Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng giải quyết nhanh gọn cho tiểu thương, sau đó đến ngân hàng đổi miễn phí. Có thể nói, hoạt động đổi tiền cũ nát là một trong những dịch vụ trong đó có đổi tiền mới, tiền lẻ… của “đầu nậu” vẫn âm thầm hoạt động trên thị trường tự do.
Hết cửa thu phí
Xét về lịch sử, hoạt động thu đổi tiền cũ nát không đủ chuẩn lưu thông đã từng có quy định cho phép thu phí. Chẳng hạn phí đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông theo quy định tại Khoản 2, Điều 6, Quyết định 24/2008/QĐ-NHNN là 4% tổng giá trị tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được đổi, nhưng mức phí tối thiểu cho một món đổi là 2.000 đồng. Tuy nhiên, do “câu chữ” của văn bản, đối tượng thu phí là TCTD hiểu một cách khác nhau dẫn đến việc coi phí như một hoạt động kinh doanh dịch vụ.
Mặc dù, theo các quy định gần đây, NHTM phải đổi tiền cũ nát không đủ lưu thông miễn phí, nhưng một số ngân hàng lách sang dịch vụ kiểm đếm, thanh toán… để thu phí đổi tiền. Trong đó phải kể đến trong nội dung Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định cụ thể đổi tiền không đủ chuẩn lưu thông đã bỏ toàn bộ việc thu phí cá nhân là khách hàng của TCTD đổi tiền. “Số tiền lớn hay nhỏ, nếu không đủ tiêu chuẩn lưu thông, khi đem đổi sẽ hoàn toàn miễn phí tại các TCTD”- bà Lê Thị Thanh Hằng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tái khẳng định với phóng viên TBNH.
Để quản lý chặt các TCTD có thể thu phí đổi tiền cũ nát của người dân, mới đây, NHNN tiếp tục ban hành văn bản số 1393/NHNN-PHKQ. Trong đó, ràng buộc trách nhiệm các bên hữu quan và TCTD trong việc quản lý và thực hiện thu đổi tiền không đủ chuẩn lưu thông. Theo bà Hằng, nếu người dân phát hiện TCTD nào thu phí đổi tiền cũ nát, hư hỏng nên phản ánh trực tiếp về cho NHNN chi nhánh các tỉnh thành phố để có biện pháp thanh tra, xử lý tùy vào mức độ vi phạm theo các quy định của pháp luật. “Đối với loại tiền polymer do hỏa hoạn bị biến dạng, co nhỏ, song vẫn có thể nhận biết được các thông tin hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, số sê-ri phát quang… để đưa ra kết luận tiền thật hay giả vẫn thu đổi hoàn toàn miễn phí” - bà Hằng cho biết.
Thanh Tuyết
Theo Thời báo Ngân hàng