Đề xuất mới nhất về đơn phương chấm dứt hợp đồng dạy học của nhà giáo

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
09/08/2024 21:30 PM

Dưới đây là nội dung đề xuất mới nhất về đơn phương chấm dứt hợp đồng dạy học của nhà giáo theo dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3).

Đề xuất mới nhất về đơn phương chấm dứt hợp đồng dạy học của nhà giáo

Đề xuất mới nhất về đơn phương chấm dứt hợp đồng dạy học của nhà giáo (Hình từ internet)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nộp hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3)

Đề xuất mới nhất về đơn phương chấm dứt hợp đồng dạy học của nhà giáo

Cụ thể, theo Điều 30 dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3) đã đề xuất quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng dạy học như sau:

- Cơ sở giáo dục được đơn phương chấm dứt hợp đồng với nhà giáo trong các trường hợp sau:

+ Nhà giáo bị thu hồi giấy phép hành nghề dạy học;

+ Nhà giáo làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn bị ốm đau ngừng giảng dạy để điều trị 12 tháng liên tục, nhà giáo làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn bị ốm đau ngừng giảng dạy để điều trị 06 tháng liên tục mà sức khỏe chưa phục hồi để làm việc. Khi sức khỏe của nhà giáo phục hồi thì được xem xét để tiếp tục ký kết hợp đồng;

+ Khi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, hiệu trưởng hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục phải thông báo trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn hoặc ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng xác định thời hạn. Đối với nhà giáo do cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo quản lý cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng do hiệu trưởng hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo quản lý cơ sở giáo dục.

- Cơ sở giáo dục không được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

+ Nhà giáo ốm đau hoặc bị tai nạn, đang điều trị bệnh theo quyết định của cơ sở chữa bệnh, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 dự thảo Luật Nhà giáo;

+ Nhà giáo đang trong thời gian nghỉ theo quy định hoặc nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được hiệu trưởng hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục cho phép;

+ Nhà giáo nữ đang trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp cơ sở giáo dục dừng hoạt động và trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 30 dự thảo Luật Nhà giáo .

- Nhà giáo có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp không được bảo đảm đúng các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng; bị ngược đãi, bị cưỡng bức lao động, bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền; ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 (ba) tháng liên tục mà sức khỏe chưa phục hồi để làm việc.

- Nhà giáo làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho hiệu trưởng hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục biết trước ít nhất 45 ngày. Trong trường hợp nhà giáo không thực hiện được việc thông báo thì người đại diện hợp pháp của nhà giáo thực hiện việc này.

Nội dung hợp đồng dạy học theo dự thảo Luật Nhà giáo

- Hợp đồng dạy học bao gồm các nội dung cơ bản sau: thông tin của cơ sở giáo dục và thông tin của nhà giáo; công việc, địa điểm làm việc; chế độ, chính sách nhà giáo được hưởng; quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia ký hợp đồng; thời gian, hiệu lực của hợp đồng và các nội dung khác được quy định trong hợp đồng.

- Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến hợp đồng dạy học.

(Điều 28 dự thảo Luật Nhà giáo)

Xem thêm nội dung tại dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 613

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]