Thuốc đắt bảo hiểm sẽ trả nếu có BHYT
Người nhà một bệnh nhi cho biết: "Cháu tôi vào đây đã hơn 1 tháng trời rồi, nhưng sức khỏe cháu rất yếu, mặc dù cháu đã tiêm những mũi tiêm 6 triệu đồng để tăng đề kháng nhưng vẫn đang còn rất yếu. Và đến hôm nay, gia đình được thông báo sẽ phải tiêm mũi tiêm 20 triệu đồng. Gia đình bà đã về nhà lấy thêm tiền để đóng vào viện với mong muốn các bác sỹ cứu được con mình".
Nhiều người nhà bệnh nhân than thở tiêm thuốc đắt mà họ không biết thuốc đó là thuốc gì và nghi ngờ về việc bác sĩ chỉ định tiêm thuốc đắt để trục lợi. Tuy nhiên, không ai dám làm trái, không nghe bác sĩ thông báo thuốc tiêm. Nhiều người đoán mò đó là thuốc phơi nhiễm hay thuốc phòng viêm nhiễm, miễn dịch nào đó nên bàn tán xôn xao về loại thuốc đắt tiền này.
Trao đổi với infonet, PGS, TS Phạm Nhật An - Phó GĐ Bệnh viện Nhi trung ương cho biết những thuốc đó là chỉ định đặc biệt và không phải cháu bé nào cũng phải chỉ định sử dụng thuốc đó. Những cháu bé bị suy giảm miễn dịch quá nặng và phải sử dụng thuốc hỗ trợ miễn dịch. Thuốc đó có thành phần sản phẩm cromolyn miễn dịch của người. Thuốc này rất đắt nên những cháu bé không còn miễn dịch, các bác sĩ buộc phải tiêm để tăng miễn dịch cho các cháu.
Chỉ bệnh nhi nặng cần phải tiêm thì bác sĩ mới chỉ định thuốc tăng miễn dịch. Ảnh: Bệnh nhi điều trị sởi tại BV Nhi Trung ương
PGS Phạm Nhật An cho biết thông thường khi có trẻ phải tiêm, bác sĩ đều tư vấn cho người nhà bệnh nhi, tất cả cũng vì muốn tốt cho các bé. Tuy nhiên, người nhà của cháu bé nhiều khi không hiểu cứ đòi giải thích nhiều lần và cho nhiều người. Trong khi đó, các bác sĩ thì vô cùng bận rộn chăm sóc các bé.
Ông An cũng cho biết, Bộ Y tế đã trao đổi với bảo hiểm xã hội Việt Nam và họ sẽ trả tiền các loại thuốc đắt tiền này cho những trẻ có BHYT. Cháu bé nào không có BHYT thì gia đình sẽ phải chi trả.
Bệnh viện Nhi không giấu diếm thông tin sởi
Nhiều thông tin cho rằng Bệnh viện Nhi trung ương đang giấu diếm về dịch sởi khi nhiều phóng viên vào tác nghiệp không được cho vào. PGS Phạm Nhật An chia sẻ: Chúng tôi vô cùng bận trong công tác chuyên môn. Một ngày chúng tôi phải tiếp rất nhiều đoàn báo chí. Nhưng nếu phóng viên, nhà báo có liên hệ trước để chúng tôi sắp xếp thì chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp mọi thông tin điều trị bệnh.
Vẻ mặt mệt mỏi, buồn bã, PGS An cho biết "Bản thân tôi một ngày tiếp cả chục nhà báo rồi lại đang chịu trách nhiệm chủ tịch hội đồng nghiên cứu về dịch sởi và chịu trách nhiệm chuyên môn điều trị sởi của bệnh viện. Một ngày tôi dự nhiều cuộc họp để báo cáo rồi lại về khoa với các cháu nhưng vẫn không từ chối cung cấp thông tin.
Nhiều phóng viên vào chỉ dơ mỗi cái thẻ rồi đòi vào phòng bệnh để chụp ảnh, phỏng vấn người nhà như thế nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao. Chúng tôi hạn chế tối đa người vào trong phòng bệnh vì đây là bệnh truyền nhiễm nên công tác đảm bảo tránh nhiễm trung rất cao. Tôi mong rằng báo chí cũng phải thông cảm".
Ông An cho rằng mọi biện pháp phòng tránh như dùng lá mùi già tắm cho trẻ hay các bài thuốc đông y đều không có cơ sở khoa học. Việc phòng bệnh dứt khoát phải tiêm vắc xin. Không phải cứ tắm nước lá mùi là không lo bị sởi.
Khánh Ngọc
Theo Infonet