>> Xử tù người tông xe SH làm chết vợ
Bị cáo Nguyễn Gia Long - Ảnh: L.Anh |
Bị cáo là Nguyễn Gia Long và nạn nhân là chị N.T.T.H., sinh năm 1974, vợ của Long. Cuối năm 2010, Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm (Hà Nội) đã mở phiên tòa một lần, và vì lấn cấn trong việc xác định bị cáo cố tình hay vô tình đụng xe máy vào nạn nhân mà tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Những người có mặt tại phiên tòa hôm đó đã rơi nước mắt khi nhìn thấy hai đứa con bị cáo (6 tuổi và 11 tuổi) cứ lăn ra khóc khi nhìn thấy bố.
Những lời khai mâu thuẫn
Ở phiên tòa ngày 21-9 lần này, những vướng mắc trước đây vẫn chưa được giải quyết.
Bị cáo Long đã có nhiều lời khai đầy mâu thuẫn. Đó là bị cáo Long khai do vừa điều khiển xe máy vừa nghe điện thoại nên anh ta không nhìn thấy vợ đi phía trước. Nhưng theo chứng cứ từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, cuộc điện thoại chỉ kéo dài 30 giây và người đàm thoại với Long cho biết Long đã tắt điện thoại trước. Tuy nhiên, cáo trạng sau khi đã điều tra bổ sung không đưa tình tiết mới này vào và vẫn chấp nhận lời khai của Long.
Một trong những lời khai gây bức xúc nữa là Long khai mình đã ngất đi sau khi đụng xe vào vợ, nhưng hai nhân chứng đứng cách địa điểm xảy ra vụ án 12-15m cho biết có thấy Long ngóc đầu lên dựa vào nắp cống. Kết luận của bệnh viện tại thời điểm Long nhập viện cũng cho thấy anh ta hoàn toàn tỉnh táo. Tuy nhiên, không thấy tòa xét hỏi Long về lời khai này.
Tốc độ chạy xe của Long trước khi xảy ra vụ án, theo Long, chỉ 30-40 km/giờ, nhưng những người chứng kiến nói là phải cao hơn nhiều. Luật sư Hoàng Đàm - Đoàn luật sư Hà Nội, người bảo vệ cho bị hại tại phiên tòa - cho rằng theo quy luật vật lý, không thể có chuyện xe máy di chuyển tốc độ 30-40km/giờ va phải người đi bộ mà khiến người ta bắn tung lên cao qua đầu người lái xe máy, gây chấn thương sọ não như trong vụ án này.
Tuy nhiên, những lời khai, tình tiết mâu thuẫn kể trên cũng không khiến phiên tòa trở nên sôi động hơn, vì vị chủ tọa phiên tòa và các vị hội thẩm nhân dân dường như ở vị trí luật sư bào chữa cho bị cáo, khi luôn miệng đề nghị gia đình bị hại “nén đau thương, chuyện lớn cho thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ cho là không có gì”.
Thậm chí vị chủ tọa phiên tòa, ông Lại Vĩnh Trung, còn “trách” người bị hại đã chết (và gia đình chị) tại sao bị chồng đánh mà không báo công an, chính quyền, không ly hôn. “Ở tòa án Từ Liêm này một năm có 500 vụ ly hôn nhưng không vụ nào kéo dài, nhất là khi người đề nghị là phụ nữ. Nếu nộp đủ án phí 200.000 đồng thì sáng nộp đơn là chiều giải quyết”- ông Trung nói.
Phiên tòa mới, cáo trạng cũ!
Phiên tòa đầu tiên diễn ra cuối năm 2010 đã phải hoãn vì cơ quan điều tra không hề làm việc với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, xem thời điểm bị cáo Long gây ra vụ va chạm là Long đang nói chuyện điện thoại dẫn đến không chú ý, hay đã nói chuyện xong rồi. Chưa kể tòa đã hai lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng hôm 21-9, cáo trạng đọc trước tòa vẫn là cáo trạng cũ, hoàn tất ngày 24-8-2010. Ngay cả chi tiết quan trọng như thông tin của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông về việc Long đã tắt điện thoại trước cũng không được đưa vào.
Tại tòa, nhiều lời khai bất nhất của Long lại được hội đồng xét xử chấp nhận.
Nguyễn Gia Long bị tuyên 27 tháng tù. Tính từ lúc bị tạm giam, chỉ còn một năm nữa Long sẽ được về với hai con. Với Long, đó là cái kết có hậu, với con Long cũng vậy. Nhưng với bà Nhị, mẹ của nạn nhân, thì như thế là oan ức cho con gái của bà. Với những người đang đấu tranh cho quyền của phụ nữ và chống bạo lực gia đình thì kết quả kể trên cũng chưa thỏa đáng.
LAN ANH